Kịch bản sân khấu lễ hội: Bao giờ hết... lắp ghép?

TRUNG VIỆT 08/10/2023 08:43

Thời gian qua liên tục diễn ra các lễ hội cấp huyện và cấp tỉnh, nhưng nội dung kịch bản chương trình khai mạc các sự kiện vẫn chưa có điểm nhấn hay dấu ấn đặc biệt.

Tiết mục giới thiệu về cây quế tại lễ kỷ niệm 20 năm tái lập huyện Bắc Trà My.
Tiết mục giới thiệu về cây quế tại lễ kỷ niệm 20 năm tái lập huyện Bắc Trà My.

Thiếu ý tưởng độc đáo

Hầu hết chương trình lễ hội năm nay tập trung ở các huyện miền núi. Đặc thù miền núi lâu nay như một mặc định trong suy nghĩ bao người là sông suối êm đềm, chim thú cỏ cây sương khói hoang sơ, con người chân chất mà mạnh mẽ kiêu hùng, tiềm năng lớn lao với bao sản vật, truyền thống hào hùng tiếp nối, văn hóa đặc sắc với lễ hội tưng bừng…

Chính điều này đã làm “phông” cho giới viết kịch bản lẫn đạo diễn dựa vào đó để triển khai ý tưởng. Dễ thấy, sân khấu quy mô cỡ nào, thì vẫn chú trọng ca hát, nhảy múa, dùng vũ đạo để kích thích sự đồng cảm của khán giả.

Thiếu tính kịch, là bệnh thường thấy ở các chương trình trên. Phần lớn đều không có mạch chuyện. Ở đây chính là yếu tố văn học kịch không có. Vì không có ngôn ngữ kịch, hình tượng, không độc thoại, đối thoại, chỉ nhảy múa, hát hò, lời dẫn bị chìm đi trong âm thanh và ánh sáng chiếm lĩnh, chưa nói nhiều kịch bản dùng chiến thuật “biển người” mà không dựng được câu chuyện cần chuyển tải.

Khi công nghệ điện tử phát huy thế mạnh, nó khiến sân khấu lung linh sắc màu, tại hiệu ứng ánh sáng, âm thanh mạnh mẽ, xoáy vào thính giác và thị giác. Từ đó, góp phần cùng kịch bản dẫn dắt cảm xúc người xem. Đây là mặt mạnh của sân khấu hiện đại.

Các chương trình lễ hội vừa qua ở miền núi đã tận dụng được yếu tố trên. Điều này hoàn toàn xác đáng trong xu thế gu thẩm mỹ không còn đơn điệu, giản đơn như trước đây nữa, bởi chiếm lĩnh lượng khán giả bây giờ là người trẻ.

Nhiều khoảng trống

Quảng Nam vốn có thế mạnh về văn hóa nghệ thuật, các địa phương mấy mươi năm qua đều có các đội văn nghệ quần chúng, các trung tâm văn hóa. Đây là cái nôi sản sinh lực lượng sáng tác, biểu diễn. Nhưng, đông không hẳn đã tinh, bởi nhìn lại lực lượng viết kịch bản chuyên nghiệp, quen tay làm các chương trình lớn, phải thừa nhận rằng, có một mảng trống.

Một người viết kịch bản có thâm niên ở Quảng Nam chia sẻ: Các tác giả kịch bản trong tỉnh, vốn có nhiều kinh nghiệm trong nhiều năm hoạt động sự kiện (từ lễ hội dân gian đến hiện đại/đương đại); có vốn hiểu biết về đặc trưng văn hóa các dân tộc, địa phương.

Còn hạn chế của kịch bản là lặp lại mô thức cũ như một tích hợp các loại hình ca/múa/nhạc quần chúng, thêm vào đó là sự xuất hiện các ca sĩ “sao” chứ chưa tạo dấu ấn đặc trưng văn hóa bản địa.

Hiện các kịch bản sự kiện thường do các nhạc sĩ/biên đạo, ca sĩ viết thường hạn chế về ngôn ngữ văn học/văn hóa, đặc biệt là tính “kịch” của kịch bản, tức nói theo nghĩa có nghề là tạo tình huống giao đãi - thắt nút - cao trào - mở nút…

Đây là một nhận xét xác đáng. Từ quan sát của mình, một nhà báo thường xuyên chỉ đạo làm truyền hình trực tiếp các chương trình lễ hội của tỉnh, cho rằng: Cần xem xét lại các chương trình biểu diễn nghệ thuật dịp lễ.

Người đưa ra ý tưởng khi làm các chương trình này phải là người hoạt động văn hóa nghệ thuật, nếu không thì khi đặt hàng sẽ trở thành những ca lắp ghép thô thiển.

Nếu xem nó là một chương trình nghệ thuật để phục vụ cho một sự kiện của một vùng đất, một điểm nhấn nào đó về kinh tế chính trị xã hội, thì phải đưa ra chủ đề chính là gì. Vì thiếu tính thống nhất nên nhiều chương trình, ánh sáng một nơi, kịch bản một ngõ.

Nên coi trọng yếu tố nghệ thuật

Bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Trung tâm VH-TT tỉnh, cho biết: “Ngay cả tại Trung tâm VH-TT tỉnh cũng không có người viết kịch bản, thậm chí nếu mời về họ cũng không về, vì lương thấp. Các chương trình làm trông vào khả năng kinh phí, rồi gợi ý tưởng kịch bản, thuê người làm trên cơ sở kinh phí thỏa thuận.

Nếu tham gia các chương trình toàn quốc, thì trung tâm thường nhờ lực lượng viết, đạo diễn tại Đà Nẵng. Còn nếu các lễ hội ở huyện, thì trung tâm cũng như nhiều đơn vị, cá nhân khác, tham gia đấu thầu kịch bản. Riêng về tiền trả cho đạo diễn, kịch bản, thì Nhà nước đã quy định rõ”.

Về vấn đề này, nhạc sĩ Hoàng Bích - Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh, cho rằng: “Sự nhàm chán, lặp lại lâu nay cứ kéo dài. Rất nhiều chương trình không đi vào trọng tâm để làm rõ vấn đề bản sắc văn hóa vùng đất, con người ở đó, xem có thấy được quá trình đổi thay, giữ gìn, phát triển ra sao.

Ai tham gia đạo diễn, kịch bản đều được, nhưng anh phải am hiểu vùng đất, con người ở đó, phải nói cho được câu chuyện ở đó”. Cũng theo ông Hoàng Bích, là người thường tham gia hội đồng xét duyệt các chương trình nghệ thuật, “nhưng mai họ diễn, nay họ mới gửi kịch bản, hỏi sao góp ý được”.

Sân khấu nghệ thuật phục vụ chính trị, dù có gì đi nữa, vẫn là câu chuyện nghệ thuật. Nó phải được dàn dựng, thẩm định, biểu diễn từ những người am hiểu nghệ thuật. Xem các đội văn nghệ quần chúng biểu diễn các chương trình hoạt cảnh, lắm khi thích thú hơn.

Khi được hỏi chương trình biểu diễn tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày tái lập huyện Bắc Trà My, ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Trung tâm VHTT - TTTH huyện nói: “Chương trình do chúng tôi tự dàn dựng, biểu diễn”.

TRUNG VIỆT