Chuyện cùng... sách cũ
Cứ đến dịp đầu năm học mới lại nhớ chuyện ngày xưa, chuyện của sách cũ, không chỉ là cũ người mới ta, nhưng đó là món quà vô giá theo suốt tuổi thơ cho đến hết cuộc đời.
Ngày ấy, thư viện nhà trường luôn đầy đủ sách giáo khoa cho học sinh, mỗi cuốn sách đều bao bọc cẩn thận không phải bằng bao ny lon như bây giờ mà bằng bao xi măng, gáy sách được đóng thêm một lớp giấy cho chắc.
Vào năm học mới, mỗi học sinh đến thư viện ký nhận sách, cô thủ thư căn dặn phải giữ gìn sách, không được vẽ bậy, không được làm vấy mực… nếu làm mất, rách phải đền gấp đôi so với số tiền in trên bìa sách.
Tôi rất tò mò, vì sao không đền đúng y số tiền trên bìa sách, cô thủ thư nhẹ nhàng bảo rằng, việc vận chuyển rất khó khăn, nhưng cái quan trọng hơn, làm vậy để các trò ý thức được tầm quan trọng của sách, nó quý giá biết nhường nào. Phần thưởng ngày xưa dành cho học trò khá giỏi là sách. Vì vậy, trò nào cũng cố gắng chăm ngoan để được nhận món quà quý đó.
Những năm 1980 - 1990, trong xã ít ai được đi học cấp ba, thời khốn khó, muốn đi đến trường phải qua đò giang cách trở, không đủ ăn, nghĩ chi đến cái chữ. Nghe làng trên có con học trên mình một lớp, phụ huynh phải đến “đặt hàng” mượn sách sớm. Người này học xong cho người kia mượn. Những năm đó, chương trình dạy môn ngữ văn chủ yếu là văn học cách mạng, còn những bài thơ tình chủ yếu được chép tay, nên đôi lúc “Tam sao thất bản”.
Lần đầu tiên được cầm trên tay cuốn sách giáo khoa mới “Phụ bản những bài văn được đưa vào nhà trường giảng dạy”, được tiếp cận các tác phẩm “Nhớ rừng” - Thế Lữ, “Núi đôi” - Vũ Cao, “Đây thôn Vĩ Dạ” - Hàn Mặc Tử, “Tây tiến” - Quang Dũng, “Màu tím hoa sim” - Hữu Loan, “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, “Vợ nhặt” của Kim Lân... cả cô và trò thêm nhiều điều tươi mới.
Thời đó, thương quý nhau mới tặng sách. Anh Ngô Quang Trung, lúc đó là Trưởng đài Phát thanh - phát lại truyền hình huyện Hiệp Đức, mỗi lần anh về Đà Nẵng, là ngóng, là trông, trong ba lô sẽ có sách, vì gần chợ Cồn có một “chợ sách cũ” hơn cả thư viện trên núi, giá lại rẻ vô cùng…
Như một cơ duyên với sách cũ, những chuyến ngược xuôi lên núi, mới thấy giá trị của đồ cũ. Cho dù vùng cao, trẻ được ưu tiên cấp sách giáo khoa, nhưng thời tiết bất thường, cha mẹ bận việc lên nương… nên việc làm mất, hư hỏng sách là chuyện thường ngày. Năm nào cũng vậy, gần kết thúc năm học, nhiều nhóm thiện nguyện cùng chung tay kêu gọi cộng đồng tặng sách giáo khoa, để mỗi trẻ vùng cao cũng đầy đủ như dưới xuôi…
Ở Tam Kỳ, tiệm sách cũ góc đường Trần Cao Vân, bên trường Lê Quý Đôn của vợ chồng chị Nguyễn Thị Tình là địa chỉ được nhiều người mê sách tìm đến. Nguồn hàng chủ yếu ở các bà đồng nát, ve chai, những người dọn nhà cho bớt chật, vì vậy sách cũ mang trên mình muôn hình vạn trạng sắc thái…
Những người tìm đến đây, người thì sưu tầm, người tìm tư liệu, người thì eo hẹp túi tiền… Ở quầy sách cũ, nhiều bạn nhỏ tìm tới đây, khoe rằng cả gia đình con chọn nơi này để mua và đổi sách. Sách con học xong đem ra đổi sách khác, rất tiện lợi, tiết kiệm được khoản chi cho gia đình. Còn con thì mê truyện tranh, đến đây để đọc, cô chủ tiệm sách rất dễ tính…
Chị chủ quầy sách bảo, nhiều người có sở thích sưu tầm sách cũ, nên sách càng cũ càng có giá trị, như sách cũ ngoại văn có giá trị vì từng được thực hiện bởi những dịch giả danh tiếng, nhiều tiệm cà phê trang trí bằng sách, báo cũ, đơn vị tiền đồng, hào không còn sử dụng, nhưng giá lại cao. Lật nhẹ từng trang sách đã ngả vàng, cho dù bìa đã sờn, từng sợi chỉ “khâu vá” đã rơi rớt qua nhiều năm tháng, mà hít hà mùi sách cũ lại nhớ chuyện xưa.