Luồng sinh lực phi thường
Đã 200 năm có lẻ, “nhị bách dư niên”, kể từ ngày đại thi hào Nguyễn Du mất. Nhưng không ai khóc như ông từng cảm thán trong bài thơ viết về nàng Tiểu Thanh, mà thấy hiển hiện luồng sinh lực phi thường qua những câu Kiều…
Con số 200 năm có lẻ, sau khi đã đổi chữ “tam bách” (300) sang “nhị bách” (200), hẳn có nguyên do.
Tính đến cuối tuần này, đại thi hào Nguyễn Du về cõi vĩnh hằng đã 203 năm. Cụ mất ngày 16/9/1820. Và cứ vào dịp tưởng niệm ngày mất Nguyễn Du, ta như nghe vang động nỗi niềm: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Không biết hơn ba trăm năm sau/ Thiên hạ có người nào khóc Tố Như?).
Đây là 2 câu cuối trong bài “Độc Tiểu Thanh ký” của đại thi hào Nguyễn Du. Văn học sử chép rõ: Tiểu Thanh (1594-1612) người Quảng Lăng, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), năm 16 tuổi làm vợ lẽ một người họ Phùng, bị vợ cả ghen phải lánh ra ở nhà riêng cạnh Tây Hồ rồi buồn bực mà chết lúc mới 18 tuổi, thuộc về đời Vạn Lịch nhà Minh.
Có nhiều thuyết khác nhau và cứ như một ẩn số về “300 năm lẻ” (tam bách dư niên). Có nhà nghiên cứu đối chiếu giữa các thời điểm trong đời nàng Tiểu Thanh với đại thi hào Nguyễn Du (năm sinh, năm mất) để làm một phép tính.
Có người dẫn quan niệm vòng đời con người gồm 3 kiếp (tam sinh), mỗi kiếp 100 năm. Lại có người đưa ra giả thuyết cụ Nguyễn Du đang khóc nàng Kiều, bởi từ năm Gia Tĩnh triều Minh (Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh/ Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng) tính đến thời điểm đại thi hào mất cũng xấp xỉ 300 năm…
Nhưng có thế nào, thì lời tự vấn “không biết hơn 300 năm sau, thiên hạ có người nào khóc Tố Như?” đã gợi niềm cảm khái, nhất là với những thế hệ tiếp nối ngưỡng vọng tác giả Truyện Kiều. “Khóc” hay không, thì chưa rõ. Nhưng với độ lùi 203 năm, chữ “khấp” (泣, khóc) dường như không thấy “tồn tại” trong suy tư của hậu thế. Mà đó phải là chữ “tưởng” (想, tưởng nhớ).
Chính vì nhiều người tưởng nhớ đại thi hào Nguyễn Du, sau hơn 200 năm (nhị bách dư niên hậu), chúng ta thử mượn ý thơ cũ để diễn dịch lại, từ tự vấn (bất tri) chuyển sang cả quyết (liễu tri): “Liễu tri nhị bách dư niên hậu/ Thiên hạ chúng nhân tưởng Tố Như” (Đã rõ chuyện hơn của hai trăm năm sau/ Quá nhiều người trong thiên hạ tưởng nhớ đến Tố Như).
*
* *
Có thêm một chữ “tưởng” (想) khác dành cho cụ Tố Như, nhưng mang tính thời sự và liên quan đến danh tác Truyện Kiều.
Trong phát biểu đáp từ tại tiệc chiêu đãi của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hồi đầu tuần này (11/9) nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhắc đến 2 câu Kiều để nói về ngày “chúng ta có thể cảm nhận được vinh hoa và ấm áp của những cơ hội vô hạn mở ra”. Đó là 2 câu Kiều thứ 2.287 - 2.288: “Vinh hoa bõ lúc phong trần/ Chữ tình, ngày lại thêm xuân một ngày”.
Đây là lần thứ hai ông Joe Biden mượn Truyện Kiều để giao tế. Lần đầu, khi còn giữ chức Phó Tổng thống Mỹ, ông đọc Truyện Kiều tại tiệc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm chính thức Hoa Kỳ, nhân kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước hồi tháng 7/2015. Đó là 2 câu Kiều thứ 3.121 - 3.122: “Trời còn để có hôm nay,/ Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”.
Tính ra, trong vòng hơn 2 thập kỷ qua, có thêm 2 lần nữa Truyện Kiều được các Tổng thống Mỹ sử dụng để làm sinh động và thi vị hóa diễn từ. Khởi đầu từ Tổng thống Bill Clinton, trong diễn văn đáp từ năm 2000 tại cuộc chiêu đãi trọng thể của
Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã dẫn 2 câu Kiều thứ 1.795 - 1.796: “Sen tàn cúc lại nở hoa,/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”. Hồi năm 2016, phát biểu tại Hà Nội, Tổng thống Barack Obama cũng trích dẫn 2 câu Kiều thứ 355 - 356: “Rằng: Trăm năm cũng từ đây,/ Của tin, gọi một chút này làm ghi!”.
Sức nặng diễn từ của các cuộc giao tiếp càng gia tăng gấp bội mỗi khi tuyệt tác văn chương được trích dẫn đúng lúc, đúng ngữ cảnh và càng sâu lắng nếu chọn lựa Truyện Kiều. Ở vị thế chủ nhà, Bác Hồ cũng từng nhiều lần “lẩy Kiều” khi tiếp đón quốc khách. Có lần đón khách đến, Bác “lẩy”: “Bây giờ mới gặp nhau đây/ Mà lòng đã chắc những ngày thanh niên”. Tiễn khách lên máy bay, Bác “lẩy” tiếp: “Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,/ Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm”.
*
* *
Vũ Hạnh, nhà văn gốc Quảng, từng “thành kính cảm tạ Nguyễn Du, thiên tài lỗi lạc của dân tộc ta” vì nhiều lẽ, như ông viết trong lời nói đầu tiểu luận “Đọc lại Truyện Kiều”. Vì con người ấy đã vượt thoát khỏi những lũy thành chật hẹp của đời nho sĩ rêu phong, để chia nỗi khổ niềm đau của tha nhân. Vì người giúp ta khỏi nỗi bơ vơ trong cõi tâm tình nhân loại khổ đau. Vì từ đấy, với Truyện Kiều, nỗi đoạn trường kia có đủ thịt xương hiện giữa nhân gian.
Người đã dựng nên một tòa lâu đài ngôn ngữ nguy nga, chuyển dậy một đỉnh nghệ thuật vòi vọi, để rồi từ đấy ngôn từ chúng ta chắp thêm cánh đẹp về nẻo cao vời… “Người đã thổi vào vần điệu dân tộc một luồng sinh lực phi thường để nó băng vượt không gian mà đi, xuyên suốt thời gian mà sống”, Vũ Hạnh viết.
Truyện Kiều cũng đi vào âm nhạc, như với liên khúc 12 bài Kiều ca của Trương Thìn. Liên khúc này từng mang về Huế ra mắt công chúng quãng những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, để sau đó có nhà văn đồng hương khi nhắc lại sự kiện đã cảm tạ nhạc sĩ bằng một câu văn lả lướt: “12 khúc Kiều ca đẹp như một chuỗi ngọc Lam Điền”.
Quãng 200 năm sau ngày đại thi hào Nguyễn Du sinh ra, năm 1965 nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn”. Giờ đây, ở cột mốc hơn 200 năm kể từ ngày Nguyễn Du mất, những câu Kiều như vẫn băng vượt không gian, xuyên suốt thời gian với một luồng sinh lực phi thường, để đại thi hào vẫn sống trọn vẹn trong tâm tưởng người đời.