Hiểu đúng "Tiên học lễ, hậu học văn"

THỤY BẤT NHI 10/09/2023 06:00

“Tiên học lễ, hậu học văn” chính là con đường học đạo của người xưa, soi rọi đến hôm nay và rất cần được tiếp tục giữ gìn, vận dụng đúng cách.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Khi bắt đầu mùa khai giảng năm học mới, trên mạng xã hội lan truyền không ít lý luận được xem là “đột phá, khai sáng” về quan hệ thầy trò nơi học đường. Trong đó, có những ý kiến nhận xét nhà trường hôm nay, nên bỏ câu “Tiên học lễ, hậu học văn” vì quan niệm đó là cố chấp, cách giáo dục này đã lỗi thời và chỉ tạo ra những con người phục tùng.

Tuy nhiên, việc thực hành lễ của người xưa cho thấy, không hề có cách suy nghĩ lập luận như vậy, mà trái lại, chính cách tuân thủ chữ lễ đúng nghĩa mới tạo nên sự sáng tạo, phát triển mới mẻ, hợp lý hơn cho thế hệ trẻ.

Về hình thái, chữ lễ trong Hán văn vẽ hình hộp đựng đồ vật cúng của thầy tư tế, diễn ý cách thức cúng bái thần linh để cầu xin ân huệ. Hình hộp ấy gồm các chuỗi ngọc quý, bánh trái, thể hiện bằng diễn tấu âm nhạc, khấn nguyện cầu xin thần linh.

Về sau, người ta thêm bộ kỳ (bàn thờ) phía trước để làm rõ chữ lễ hơn, theo nghĩa hình thức giao tiếp giữa con người và thần linh. Dần dà về sau, chữ lễ không gói gọn trong cách thức giao tiếp cầu xin giữa thần linh và con người nữa, mà chỉ vào hành vi giao tiếp giữa người và người. Con người theo đó, cần thủ lễ với nhau, trân trọng nhau, kính nhường nhau như đối đãi với thần linh. Nên biểu đạt quan trọng của lễ, là sự trọng thị qua lại.

Đây là mấu chốt quan trọng để thực hành lễ. Con người có lễ sẽ không đơn giản tiếp nhận giao tiếp một chiều mà luôn có sự cân bằng hài hòa, tương tác qua lại.

Con người cầu xin thần linh, thì thần linh cũng phải thể hiện uy lực của mình, ban phát lại lợi ích cho con người. Người dưới cung kính với người trên, thì bản thân người trên cũng phải hành lễ, lắng nghe, trân trọng với người dưới.

“Tiên học lễ, hậu học văn”, vì thế là câu huấn thị cơ bản nhất, ngày trước thường viết trong thư phòng gia đình, sau mới đưa vào giảng đường, nhắc nhở học trò trước hết phải biết học lễ nghi phép tắc, sau mới học đến kiến thức văn hóa.

Quan trọng hơn, trong Hán văn, “Tiên học lễ, hậu học văn” còn hướng dẫn cách quan niệm học tập của người xưa, là thứ bậc giao tiếp tiến bộ. Tiên - hậu là cặp phạm trù song nghĩa, vừa chỉ vào hành vi trước và sau của một người, vừa chỉ vào thứ bậc trước sau của một mối quan hệ.

Khi bước vào một đạo tràng học vấn, người xưa quy ước, kẻ vào trước (chữ tiên) phải thể hiện lễ, kẻ vào sau (chữ hậu) học được văn hóa. Đó là mối quan hệ tương tác, giao tiếp tiến bộ.

Người đi trước khi thực hành lễ, tất phải lấy sự nhân ái khoan hòa làm trọng, và phải dạy bảo, khuyên nhủ người đi sau điều đúng điều hay. Chữ văn, chính là điều tốt, điều hay, kiến thức tốt đẹp trong cuộc sống.

Người đi sau được học sự tốt, sự hay đó, tức học văn, sẽ bớt được thời gian công sức nhờ người đi trước điểm chỉ cho, qua đó càng nắm rõ những điều, những tri thức cần thiết mà tiến bộ.

Học văn, cũng chính là phải lựa chọn, tiếp nạp và làm sáng tỏ hơn những tri thức được học. Đó chính là tinh thần sáng tạo, khai phóng của học vấn. Một quan hệ giao tiếp người đi trước thực hành lễ, hướng dẫn lễ cho người đi sau, truyền đạt những cái tốt đẹp, đúng đắn cho người đi sau tiếp thu nhanh chóng, để người đi sau lựa chọn, sáng tạo thêm cái tốt đẹp và cứ thế tiếp tục truyền dẫn với nhau, chính là nguyên tắc giáo dục có nhiều giá trị.

THỤY BẤT NHI