Liên kết du lịch miền Trung, nhìn từ quy hoạch vùng

HÀ SẤU 29/10/2023 08:43

Du lịch được xác định là ngành lợi thế trong dự thảo quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và liên kết vẫn là chìa khóa mấu chốt để thương hiệu du lịch miền Trung khởi sắc.

Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch các tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh ký hợp tác với các hãng hàng không để thúc đẩy du lịch vào năm 2020. Ảnh: H.S
Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch các tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh ký hợp tác với các hãng hàng không để thúc đẩy du lịch vào năm 2020. Ảnh: H.S

Theo dự thảo quy hoạch vùng, du lịch được xác định là một trong 4 ngành có lợi thế của Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Để đạt mục tiêu là trung tâm du lịch của cả nước, các tỉnh thành có lợi thế về du lịch trong khu vực cần xây dựng thương hiệu du lịch quốc tế cả vùng thay vì mỗi tỉnh thực hiện các hoạt động đơn lẻ như lâu nay. Bốn sản phẩm chủ đạo của du lịch miền Trung được xác định gồm: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng biển - đảo và các sản phẩm du lịch bổ trợ.

Thực tế trong thời gian gần đây, mối liên kết giữa các địa phương trọng điểm về du lịch trong vùng đã cải thiện khá nhiều. Tiêu biểu nhất vẫn là các địa phương trong mối liên kết con đường di sản Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam gần hai thập niên qua; mới nhất, 3 tỉnh thành này đã đồng hành quảng bá xúc tiến du lịch tại Malaysia và Singapore hồi giữa tuần. Từng địa phương sẽ luân phiên vai trò trưởng nhóm qua các năm để giữ bền bỉ mối liên kết này.

Cuối tháng 9 vừa qua, Quảng Nam cũng đã có công văn đề nghị bổ sung tuyến Cù Lao Chàm - Đà Nẵng và Cù Lao Chàm - Lý Sơn vào danh mục tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam. Động thái này nhằm mở đường cho liên kết vùng du lịch biển - đảo của 3 địa phương đã đề cập từ lâu.

Có thể kể thêm mối liên kết giữa Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được xác lập từ năm 2020 hay lần đầu tiên 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh thành miền Trung có những xúc tiến, thỏa thuận hợp tác vào tháng 8/2023.

Lãnh đạo các tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh ký hợp tác thúc đẩy du lịch vào năm 2020. Ảnh: H.S
Lãnh đạo các tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh ký hợp tác thúc đẩy du lịch vào năm 2020. Ảnh: H.S

Mới đây, tham gia góp ý dự thảo quy hoạch về trung tâm trọng điểm du lịch và điều phối khách cho toàn vùng, Quảng Nam đã đề nghị xây dựng thành 3 trung tâm du lịch gắn với 3 tiểu vùng theo kịch bản mà trong đó Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam là trung tâm trọng điểm du lịch Trung Trung Bộ sẽ điều phối toàn vùng. Đây là điều dễ hiểu khi cụm Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam nằm ở ngay trung độ của vùng, lại đang sở hữu hạ tầng tốt có thể tiếp nhận khách quốc tế cả từ đường hàng không và đường biển.

Dù vậy, Quảng Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều bởi trong khi Thừa Thiên Huế lẫn Đà Nẵng đều hoàn thiện tương đối hạ tầng với sân bay Phú Bài, sân bay Đà Nẵng, cảng Chân Mây và cảng Tiên Sa thì vấn đề nâng cấp Chu Lai thành sân bay quốc tế cũng như đáp ứng điều kiện để tàu biển du lịch vào cảng Kỳ Hà của Quảng Nam vẫn đang gặp nhiều trở ngại.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, chúng ta xác định gần như địa phương nào cũng có lợi thế về du lịch, ví dụ như du lịch biển nhưng cần làm rõ những đột phá về du lịch biển của vùng chứ không thể chung chung chỗ nào cũng nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí…

Nên chăng quy hoạch vùng cần xác định một vùng động lực, trọng tâm về du lịch cho miền Trung. Từ đó, có cơ chế, chính sách đột phá cho các địa phương trong vùng đó liên kết lại với nhau, đưa vùng trở thành thương hiệu du lịch quốc tế.

HÀ SẤU