Doanh nghiệp du lịch cần được chia sẻ, đồng hành

VĨNH LỘC 23/10/2023 05:23

Sau đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế xuất hiện khiến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn, hơn lúc nào hết cần sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp ngành liên quan, giúp doanh nghiệp trụ vững, phục hồi, phát triển.

Khách du lịch đến Hội An dù có tăng sau đại dịch nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn còn khó khăn do thị trường chưa hồi phục. Ảnh: V.L
Khách du lịch đến Hội An dù có tăng sau đại dịch nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn còn khó khăn do thị trường chưa hồi phục. Ảnh: V.L

Điêu đứng

Đêm 17/10, hệ thống khách sạn Le Pavillon (Hội An) bị cắt điện do chậm nộp tiền 2 ngày khiến toàn bộ hoạt động của 3 khách sạn rơi vào cảnh tăm tối. Đây được xem như “đòn chí mạng” khiến doanh nghiệp vốn đã khó khăn càng điêu đứng hơn. Mặc dù, Công ty Hoàng Châu xin lùi nợ đến ngày 20/10 sẽ trả dứt điểm nhưng Điện lực Hội An vẫn không đồng ý.

Ông Đỗ Như Châu - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hoàng Như (đơn vị quản lý hệ thống khách sạn Le Pavillon) cho biết, thông thường từ ngày 30 tháng trước điện lực đã ra thông báo đầu tiên, đến ngày 15 hàng tháng sẽ thông bào lần hai (nếu chưa thanh toán), sau ngày này điện lực sẽ lập tức cúp điện.

“Họ cắt điện bất cứ lúc nào nếu doanh nghiệp chưa kịp nộp tiền, kể cả đêm khuya khiến khách lưu trú tại khách sạn nhốn nháo. Làm như vậy rất khó cho doanh nghiệp vì phải chuẩn bị số tiền rất lớn, trong khi kinh doanh rất khó khăn. Đối tác mua hàng họ còn cho nợ 45 ngày, điện lực làm vậy doanh nghiệp sao sống nổi” - ông Châu nói. Bình quân mỗi tháng số tiền điện khách sạn này phải trả khoảng 300 triệu đồng.

Dịch bệnh, xung đột vũ trang khiến bức tranh kinh tế càng ảm đảm. Trong số các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, ngành du lịch dịch vụ được đánh giá bị tác động nhiều nhất do lượng khách sụt giảm mạnh. Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ lấp phòng của Le Pavillon khoảng 30%, không đủ chi phí vận hành và trả nợ ngân hàng.

Tại nhà hàng Shore Club An Bàng (Hội An), doanh thu mùa cao điểm cũng chỉ bằng 40% lúc trước dịch, trong khi tiền thuê đất mỗi tháng 130 triệu đồng (diện tích 400m2), không hề giảm so với thời điểm trước dịch.

Ông Lê Ngọc Thuận - chủ nhà hàng Shore Club An Bàng cho biết, năm 2021 thành phố giảm 50% tiền thuê đất nhưng từ năm 2022 đến nay giá thuê đã trở lại như mức ban đầu. Ông Thuận đã nhiều lần kiến nghị lên thành phố Hội An và các cấp ngành liên quan xin được giảm tiền thuê đất do hoạt động khó khăn nhưng không được chấp nhận.

“Kinh doanh nhà hàng ven biển rất phấp phỏng vì phụ thuộc vào thời tiết, chỉ cần mưa gió vài ngày là đóng cửa, chưa kể hiện nay khách du lịch rất ít, trong khi tiền thuê đất, thuế, nợ lãi ngân hàng phải trả đủ. Nếu Nhà nước không có cơ chế hỗ trợ, tháo gỡ cùng doanh nghiệp thì chúng tôi khó vượt qua thời điểm khó khăn này” - ông Thuận kiến nghị.

Shore Club được ông Thuận thuê từ năm 2017, thời hạn 5 năm, tiền thuê trả hàng quý, khoảng 400 triệu đồng.

Cần giải pháp hỗ trợ lâu dài

Ngày 3/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 25 về việc giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2023), đây được xem là sự hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề liên quan đến nguồn lực tài chính, vốn vay ngân hàng, nguồn khách… vẫn còn khó khăn cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều sở, ngành, kể cả từ trung ương.

Khách du lịch đến Hội An dù có tăng sau đại dịch nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn còn khó khăn do thị trường chưa hồi phục. Ảnh: V.L
Khách du lịch đến Hội An dù có tăng sau đại dịch nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn còn khó khăn do thị trường chưa hồi phục. Ảnh: V.L

Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL, qua 9 tháng của năm 2023, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh đạt hơn 6,4 triệu lượt, tăng 1,56 lần so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu du lịch đạt 6.590 tỷ đồng và thu nhập xã hội từ du lịch đạt 15.487 tỷ đồng. Một con số khá đẹp và tròn trịa.

Dù vậy, khảo sát thực tế một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn, hầu hết cho biết rất khó khăn vì khách sụt giảm, chi tiêu thấp. Đến nay, khoảng 20% khách sạn, nhà hàng tại Hội An vẫn còn đóng cửa, không ít trong số đó đang được rao bán do vắng khách, kinh doanh không hiệu quả.

Ông Đỗ Như Châu cho rằng, Nhà nước nên có nhiều chính sách hỗ trợ và những quy định nới lỏng nhằm tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, bởi hiện nay doanh nghiệp không chỉ chèo chống tìm khách mà còn phải xử lý khá nhiều vụ việc hành chính rất tốn thời gian.

Tại Công ty Hoàng Như, mỗi tháng phải tiếp đón vài đoàn kiểm tra đến làm việc từ kiểm tra môi trường, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự đến công đoàn, bảo hiểm xã hội, thuế, liên ngành…

Đơn cử, riêng vấn đề môi trường, đơn vị phải tiếp đón 2 đoàn kiểm tra gồm cảnh sát môi trường hoặc Phòng TN-MT thành phố hoặc Sở TN-MT. Với vấn đề thuế, doanh nghiệp cũng phải làm việc với thanh tra và đoàn kiểm tra định kỳ, rồi đoàn kiểm tra liên ngành thành phố, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh…

Đồng quan điểm, ông Lê Ngọc Thuận bộc bạch, trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, Nhà nước nên có nhiều hơn nữa sự đồng hành, chia sẻ khó khăn để doanh nghiệp ổn định trước khi tính đến chuyện phục hồi phát triển, giải quyết việc làm lao động địa phương, đóng góp ngân sách nhà nước.

Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, từ đầu năm đến nay hiệp hội không nhận được bất kỳ kiến nghị nào của doanh nghiệp đề xuất những vấn đề cần tháo gỡ. “Năm ngoái, hiệp hội cũng đã nhận được một số ý kiến và đã tổng hợp gửi đến các sở, ngành liên quan, nhưng cũng chỉ dừng lại ở đây. Bởi nhiều vấn đề kiến nghị tỉnh cũng khó thể giải quyết mà phụ thuộc vào các bộ, ngành trung ương” - ông Thanh nói.

VĨNH LỘC