Khoảng trống dịch vụ phụ trợ điểm đến
Dịch vụ phụ trợ điểm đến là yếu tố quan trọng để nâng cao sức hút điểm đến cũng như gia tăng nguồn thu cho ngành du lịch.
Ngoài Hội An là điểm đến yêu thích phổ biến của mọi du khách, hầu hết điểm du lịch còn lại trên địa bàn tỉnh đều gặp chật vật trong vấn đề thu hút khách và tìm kiếm nguồn thu từ du lịch.
Có điểm đến như làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước) chỉ trong vài ngày lễ hội thu hút đến 30 nghìn lượt du khách nhưng doanh thu chỉ vỏn vẹn vài trăm triệu đồng chỉ từ việc bán trái cây, hàng hóa.
Hay như Khu di tích Mỹ Sơn, lượng khách đến di sản này hàng năm chỉ chiếm 6 - 7% tổng lượng khách đến Quảng Nam, nguồn thu vẫn dựa vào vé tham quan trong khi doanh thu từ dịch vụ mỗi năm chỉ khoảng vài tỷ đồng. Ở khu vực phía tây của tỉnh, Cổng Trời Đông Giang là điểm đến mới nổi thu hút khách khá tốt nhưng vẫn trong phạm vi khu du lịch.
Tại một cuộc tọa đàm về du lịch Mỹ Sơn, đa số ý kiến từ doanh nghiệp lữ hành đều cho rằng, để thúc đẩy du lịch Mỹ Sơn thì phải xây dựng cho được chuỗi cung ứng dịch vụ phụ trợ kế cận điểm đến.
Rất nhiều gợi ý về các dịch vụ phụ trợ đặc sắc được đưa ra để khai mở thêm trải nghiệm cho du khách khi đến Mỹ Sơn như mô hình trekking băng qua núi đến suối khoáng nóng Tây Viên (Nông Sơn), tour chèo thuyền trên hồ Thạch Bàn, các hoạt động liên quan đến cây dầu rái, hoạt động camping cắm trại ở rừng Mỹ Sơn… Tuy nhiên trên thực tế là trong thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vẫn chưa có thêm dịch vụ phụ trợ nào ra đời tại điểm đến này.
Đại diện Công ty CP Du lịch Việt Nam VITOURS nhận định, du lịch Mỹ Sơn đơn độc giữa vùng tài nguyên rộng lớn, điểm đến này cảm giác như lạc lõng một mình ở vùng lõi di sản mặc dù sở hữu rất nhiều lợi thế để kết nối với chuỗi điểm đến.
Không chỉ riêng Mỹ Sơn, theo Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, việc thiếu vắng dịch vụ phụ trợ là một nguyên nhân khiến các điểm đến từng gây được tiếng vang lớn như Triêm Tây (Điện Bàn) hay Tam Thanh (Tam Kỳ) nhanh chóng thoái trào. Bởi du khách đến đó hầu như không có cơ hội trải nghiệm thêm các dịch vụ nào đặc sắc gắn với đặc trưng của điểm đến.
Về vấn đề này ông Lê Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.Hội An cho hay: “Khó khăn của các điểm đến, nhất là điểm đến du lịch cộng đồng nằm ở chỗ thiếu tính thống nhất.
Ngay từ đầu, khi xây dựng dịch vụ phụ trợ cho điểm đến cần phải có đầu mối điều phối hài hòa để tạo ra chuỗi dịch vụ đa dạng, bổ trợ cho nhau chứ không thể đổ xô vào phát triển một loại dịch vụ được khách ưa chuộng tất yếu dẫn đến sự trùng lắp và cạnh tranh ngay trong chính điểm đến trong khi các dịch vụ khác lại bỏ ngỏ”.