Du lịch và đầu tư xanh
Xu hướng du lịch xanh một lần nữa được thể hiện trong chủ đề của Ngày du lịch thế giới 2023, bên cạnh đó câu chuyện đầu tư xanh cũng được đề cập như một đòn bẩy song hành nếu muốn ngành du lịch phát triển bền vững.
Xu thế xanh
Chủ đề “Du lịch và đầu tư xanh” nhân Ngày du lịch thế giới (27/9) năm 2023 được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) truyền tải như một sự tiếp nối nếu nhìn lại chủ đề của năm ngoái.
Năm 2022, chủ đề được UNWTO đưa ra là “Tư duy lại về du lịch”. Thông điệp du lịch và đầu tư xanh như một xu thế tất yếu phải hướng đến sau một chặng đường “phát triển nóng” của ngành du lịch đem lại nhiều thành tựu nhưng cũng kèm theo không ít hệ lụy.
“Du lịch và đầu tư xanh” trên hết còn có ý nghĩa thích ứng với công cuộc phát triển trong bối cảnh mới. UNWTO lưu ý, sự cần thiết phải thực hiện các dự án đầu tư truyền thống và phi truyền thống với định hướng tốt hơn dành cho con người, hành tinh và sự thịnh vượng.
Chỉ lối đi này mới nâng cao khả năng chống chịu, tăng tốc hành động chống biến đổi khí hậu và mang lại sự phát triển toàn diện xung quanh các trụ cột về đổi mới và khởi nghiệp.
Cuối năm 2021, tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 26) Việt Nam đã tham gia “cam kết xanh” với mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Ngay sau đó, lãnh đạo tỉnh cho hay việc chọn chủ đề “Quảng Nam - điểm đến du lịch xanh” cho Năm du lịch quốc gia 2022 như là một nỗ lực của Quảng Nam góp phần cụ thể hóa cam kết này.
Thực tế, không chỉ chọn chủ đề du lịch xanh cho năm 2022, Quảng Nam đã và đang kiên định mục tiêu phát triển du lịch xanh cho chặng đường sắp tới. Một ghi nhận đáng khích lệ là vào tháng 4/2023, chuyên trang du lịch hàng đầu nước Anh Wanderlust đã đưa Quảng Nam vào tốp 4 điểm đến du lịch xanh hàng đầu châu Á cùng với Bhutan, Singapore và đảo Atauro (Đông Timor).
Cần sớm thúc đẩy “đầu tư xanh”
Đi cùng việc truyền tải chủ đề “Du lịch và đầu tư xanh”, UNWTO kêu gọi sự hành động từ các bên liên quan đoàn kết xung quanh chiến lược đầu tư du lịch mới. Bởi đầu tư là một ưu tiên chính của ngành du lịch, đóng vai trò cầu nối giữa các quốc gia thành viên UNWTO, các điểm đến, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tại cuộc họp về giải pháp phục hồi du lịch diễn ra tại TP.Đà Nẵng, TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, cần tăng tỷ lệ chi ngân sách cho du lịch hàng năm (hiện chỉ ở mức 1,4%) lên 3 - 4% tổng chi ngân sách nhà nước như các quốc gia trong khu vực.
Trong các cuộc họp của UBND tỉnh, lãnh đạo Sở VH-TT&DL cũng nhiều lần nêu vấn đề ngành du lịch địa phương gần như không có cơ chế, chính sách nào để trợ lực thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tại Quảng Nam, đầu tư xanh cho du lịch vẫn còn là khái niệm rất mới mẻ. Một số dấu ấn trong việc phát triển các mô hình du lịch xanh đến từ nỗ lực đơn lẻ của cộng đồng doanh nghiệp du lịch.
Thời gian qua, cộng đồng du lịch tại địa phương có sự hỗ trợ về phát triển du lịch xanh của một số tổ chức như UNESCO, SSTP (Chương trình Phát triển bền vững du lịch Thụy Sĩ) nhưng nguồn lực còn hạn hẹp, không mang tính lâu dài. Trong ngắn hạn, doanh nghiệp cần nhiều kinh phí để chuyển đổi theo hướng xanh nhưng chưa được khuyến khích, tiếp sức bởi chính sách.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho hay: “Hiện đã có các quỹ hoặc ngân hàng hỗ trợ về vấn đề tín dụng xanh để doanh nghiệp vay phát triển xanh hóa. Nhưng chính các ngân hàng cũng loay hoay trong việc căn cứ tiêu chí nào để hỗ trợ doanh nghiệp vay theo diện này.
Có thể xem xét việc các doanh nghiệp đạt chứng nhận Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam có thể tiếp cận được tín dụng xanh. Chúng tôi đang tìm cách kết nối, thúc đẩy vấn đề này bởi nếu doanh nghiệp được tạo điều kiện tiếp cận đầu tư phát triển du lịch xanh thì cũng là cơ hội thúc đẩy xu thế tín dụng xanh”.