Qua những "hành lang" du lịch

QUỐC TUẤN 20/08/2023 06:52

Sự đa dạng về địa hình và văn hóa đã giúp Quảng Nam sở hữu những “hành lang” du lịch đặc sắc. Điều cần thiết là kết nối để mang chúng đến gần hơn với du khách cũng như tạo ra giá trị cho ngành du lịch.

Làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước) nằm trên hành lang phát triển đông - tây của tỉnh để kết nối không gian du lịch từ Tam Kỳ lên Trà My. Ảnh: Q.T
Làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước) nằm trên hành lang phát triển đông - tây của tỉnh để kết nối không gian du lịch từ Tam Kỳ lên Trà My. Ảnh: Q.T

Ba “hành lang” đáng chú ý

Ở phía tây bắc của tỉnh, ngoài một số điểm đến du lịch cộng đồng đã hình thành từ trước, vài năm trở lại đây, cung đường du lịch theo tuyến quốc lộ (QL) 14G qua Đà Nẵng - Quảng Nam trở nên sôi động hơn khi các khu du lịch lớn như Hòa Phú Thành, Núi Thần Tài (Đà Nẵng) hay Cổng Trời Đông Giang (Quảng Nam) đi vào hoạt động. Cũng trên hành lang này, trong nội vùng Quảng Nam mới hình thành thêm một số điểm đến đáng chú ý như: trang trại Suối Mây - Rose Farm, khu du lịch Chân Cổng Trời, khu du lịch A Tiêng…

Lâu nay, từ Hội An vẫn rải rác có những đoàn khách theo cung đường này để trải nghiệm các làng du lịch cộng đồng ở Đông Giang - Tây Giang, việc bổ sung thêm điểm đến mới dựa trên nền tảng văn hóa, tự nhiên bản địa được kỳ vọng sẽ sớm giúp hành lang này sôi động hơn.

Một hành lang khác cũng rất được kỳ vọng là con đường “du lịch dược liệu” từ Hội An theo tuyến ven biển kết nối qua QL 40B lên đến Nam Trà My. Những giao thương dược liệu, thổ sản chộn rộn trong quá khứ ở miền sơn cước với cảng thị Hội An cùng thiên nhiên kỳ thú đã để lại một chỉ dấu đầy cuốn hút ở cung đường này. Những câu chuyện còn nhiều bí ẩn về trầm hương, quế, sâm… gắn với từng điểm đến vẫn đang thao thức chờ được khai mở.

Dự thảo quy hoạch tỉnh đã xác lập đây là một trong 3 hành lang phát triển đông - tây của tỉnh để kết nối hiệu quả không gian du lịch sinh thái - văn hóa TP.Tam Kỳ với hồ Phú Ninh và Tiên Phước, làm động lực phát triển lên Bắc Trà My và Nam Trà My.

Chưa hết, một hành lang đáng chú ý nữa nằm ở khu vực trung Quảng Nam. Đây có thể xem là một hành lang di sản mở rộng khi kết nối từ Hội An - Mỹ Sơn lên Nông Sơn sau khi ĐT610 qua đèo Phường Rạnh đã rộng mở.

Dự thảo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Hội An đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đề cập một trong những mục tiêu chiến lược là phát triển Hội An cùng với Duy Xuyên, Nông Sơn và đường Đông Trường Sơn, tạo nên hành lang phát triển QL 14H, tạo chuỗi du lịch liên hoàn từ vùng biển lên miền trung du.

Chiến lược thúc đẩy du lịch Mỹ Sơn chắc chắn phải mở rộng với các sản phẩm du lịch thiên nhiên ở vùng phụ cận và xa hơn là làng du lịch cộng đồng Đại Bình thay vì chỉ gói gọn trong du lịch di sản với thời gian tham quan ngắn ngủi như hiện nay.

“Điểm nghẽn” trên các hành lang

Theo lãnh đạo huyện Tiên Phước, con đường du lịch dược liệu nói trên rất thú vị nhưng tỉnh cần xem có thực sự mang lại hiệu quả và có quyết tâm xác lập hay không.

Còn ông Huỳnh Tấn Quốc - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và du lịch Tourane Travel, Quản lý khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh cho rằng, nếu muốn thúc đẩy tuyến du lịch vùng cao tây nam của tỉnh thì trước hết cần thiết lập tour tuyến trong nội vùng với các điểm như hồ Phú Ninh - làng cổ Lộc Yên - Bắc Trà My rồi sau đó tiếp tục mở rộng. Nếu muốn phát triển du lịch thì cần tour tuyến, sản phẩm thực tế chứ chỉ xúc tiến chung chung rất khó.

Giao thông hạn chế vẫn là “nút thắt” lớn nhất. QL 40B hay một số tỉnh lộ kết nối đông - tây vẫn đang chờ đợi hoàn thành nâng cấp, cải tạo. Tương tự, các dự án mở rộng hạ tầng giao thông tại các điểm đến như làng Đại Bình (Nông Sơn) hay làng Mường (Bắc Trà My)… cũng cần sớm triển khai, hoàn thành.

Ở hành lang du lịch phía tây bắc, ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang nói, theo QL 14G đã hình thành chuỗi điểm đến ở cả hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam với nhiều loại hình như nghỉ dưỡng, thể thao giải trí, du lịch cộng đồng…

Tuy nhiên, từ đoạn khu du lịch Núi Thần Tài (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) về phía Đông Giang - Tây Giang hiện quá trắc trở, là trở ngại lớn với du khách, cần sớm được nâng cấp, cải tạo để tạo sức bật cho hành lang du lịch này.

 Ngoài những trở lực về hạ tầng hay sản phẩm, theo ông Lê Quốc Việt - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Điểm đến Quảng Nam gìn giữ giá trị bản địa (Hiệp hội Du lịch Quảng Nam), đơn vị đã phác thảo cơ bản được bản đồ tuyến, điểm đến du lịch trên địa bàn Quảng Nam với điểm đầu là Hội An.

Điều cần thiết lúc này là cơ quan quản lý cần số hóa nó và tiếp thị rộng rãi để du khách biết được ngoài các di sản văn hóa thế giới thì Quảng Nam còn những hành lang, cung đường rất thú vị để khám phá.

QUỐC TUẤN