Đánh thức tiềm năng du lịch

HÀN GIANG 15/08/2023 06:24

Một kế hoạch liên kết phát triển du lịch giữa 3 địa phương Tam Kỳ - Phú Ninh - Núi Thành được ký kết vào cuối năm 2022 không ngoài nỗ lực đánh thức tiềm năng, lợi thế du lịch sẵn có ở vùng đất phía nam của tỉnh.

Đại diện lãnh đạo 3 địa phương Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh ký kết kế hoạch phát triển du lịch vùng phía nam của tỉnh. Ảnh: P.V
Đại diện lãnh đạo 3 địa phương Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh ký kết kế hoạch phát triển du lịch vùng phía nam của tỉnh. Ảnh: P.V

Trên thực tế, câu chuyện liên kết chuỗi du lịch với các địa phương lân cận phía nam của tỉnh đã được “xới” lên nhiều lần.

Nhưng phải ngót 10 năm mới đi đến thống nhất bằng một kế hoạch, với các công việc cụ thể, bài bản, như khảo sát và hình thành các các tour liên kết 3 địa phương Tam Kỳ - Phú Ninh – Núi Thành, quảng bá xúc tiến du lịch...

Kết quả bước đầu đã tạo môi trường giao lưu, liên kết các doanh nghiệp trong vùng cùng nghiên cứu phát triển sản phẩm, đầu tư khai thác dịch vụ du lịch.

Năm 2021 lượng khách du lịch tại huyện Núi Thành đạt thấp với 5.140 lượt khách (140 khách quốc tế và 5.000 khách nội địa). Năm 2022 được xem là thời gian phục hồi mạnh mẽ của du lịch Núi Thành sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, lượng khách du lịch tại địa phương tăng lên đáng kể, đạt 37.850 lượt khách; trong đó có 450 khách quốc tế và 37.400 khách nội địa. Bước sang những tháng đầu năm 2023 số lượng khách đang giữ ở mức ổn định, góp phần phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho người dân tại các điểm du lịch.

Tiềm năng du lịch của Núi Thành được “định vị” trên bản đồ du lịch của Quảng Nam với 12 tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa vật thể và phi vật thể.

Bên cạnh đó, Núi Thành có bờ biển dài và được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều bãi biển đẹp; đến nay vẫn giữ được nét hoang sơ.

Chủ động cụ thể hóa định hướng phát triển du lịch của Tỉnh ủy, một đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025 đã được Núi Thành ban hành; trong đó du lịch biển, du lịch sinh thái được địa phương xác định là sản phẩm chủ lực cần phát triển.

Qua hai năm thực hiện đề án, trên địa bàn huyện Núi Thành có 70 cơ sở lưu trú phục vụ cho công tác du lịch với 938 phòng (đạt mục tiêu đề ra).

Điểm nhấn trong đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch là Khu nghỉ dưỡng TuiBlue Nam Hội An (xã Tam Tiến) được công nhận 5 sao, gồm 318 phòng và biệt thự (villa) hướng biển, phù hợp với nhu cầu đa dạng của khách nghỉ dưỡng. Đây là dự án khởi điểm cho du lịch, trở thành cú hích trong tương lai đối với Quảng Nam và duyên hải miền Trung.

UBND huyện Núi Thành đánh giá, sản phẩm du lịch được chú ý xây dựng phong phú hơn cả về số lượng và chất lượng. Các điểm du lịch từng bước bổ sung và hoàn thiện các sản phẩm dịch vụ theo mùa.

Mạnh dạn xã hội hóa các dịch vụ cho cộng đồng dân cư tham gia khai thác dịch vụ du lịch biển (Biển Rạng - Tam Quang, bãi Rạn, chợ cá - Tam Tiến, Bàn Than - Tam Hải, bãi Bấc - Tam Hải), du lịch sinh thái (hố Giang Thơm, Biển Rạng, Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa, suối Nà Nghệ...), du lịch nhân văn (di tích Tượng đài chiến thắng Núi Thành, Nhà lưu niệm Bác Võ Chí Công...). Ngoài ra, những giá trị văn hóa phi vật thể như hát bả trạo, lễ hội cầu ngư... cũng là những nét du lịch đặc trưng của huyện Núi Thành.

Theo ông Nguyễn Chí Dân – Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, bước đầu địa phương tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch để phục vụ du khách: đầu tư cảng biển du lịch Tam Hiệp; hạ tầng du lịch biển như tiểu hoa viên biển Tam Hải; dịch vụ tiện ích công cộng dọc tuyến đường ven biển.

Hay khảo sát địa điểm xây dựng cầu tàu du lịch ở các bến sông; bảo tồn và phục dựng các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các nghề thủ công truyền thống phục vụ phát triển du lịch…

“Tín hiệu tích cực mang lại là được du khách đón nhận, có nhiều phản hồi tích cực với số lượng khách du lịch tại các bãi biển Tam Hải, Biển Rạng, Tam Tiến tăng lên đáng kể vào khoảng thời gian từ tháng 4 đến hết tháng 8 hằng năm” - ông Dân chia sẻ.

HÀN GIANG