Thách thức giữ đà phục hồi du lịch

QUỐC TUẤN 12/08/2023 06:04

Bức tranh du lịch địa phương đã phục hồi tương đối sáng sủa trong nửa đầu năm 2023 nhưng ngành du lịch vẫn cần thêm những tiếp sức để doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tiếp tục giữ nhịp tăng trưởng này.

Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng rất chờ đợi vào sự tăng trưởng mạnh của khách quốc tế để ngành du lịch giữ đà phục hồi. Ảnh: Q.T
Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng rất chờ đợi vào sự tăng trưởng mạnh của khách quốc tế để ngành du lịch giữ đà phục hồi. Ảnh: Q.T

Hành động để giữ đà phục hồi

Với những thống kê đến thời điểm hiện tại, không khó để Quảng Nam có thể cán đích mốc 7 triệu lượt khách du lịch như mục tiêu đề ra trong năm 2023. Nhưng như nhìn nhận của cơ quan chức năng, điều quan trọng hơn là nguồn thu du lịch vẫn rất chật vật và không khả quan như thông số về lượng khách. Doanh thu ngành du lịch 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 4,6 nghìn tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL, dự kiến số lượng khách cả năm sẽ vượt mục tiêu đề ra nhưng xét về hiệu quả thì so với năm 2019 vẫn còn rất khiêm tốn, cả về chất lượng khách lẫn doanh thu. Từ đây đến cuối năm, Quảng Nam sẽ phấn đấu đạt doanh thu ngành du lịch khoảng 9 nghìn tỷ đồng, một con số cũng tương đối khá trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Việt Nam Travelmart nhận định, trong nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024 tình hình du lịch vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Qua trao đổi với các đơn vị tư vấn, dự báo trong lẫn ngoài nước thì dù số liệu hết sức lạc quan nhưng tình hình chung là sức mua rất yếu.

Thị trường khách nội địa của Quảng Nam tăng như thống kê nhưng chủ yếu chỉ là lượt khách đến qua phương tiện cá nhân chứ lượt lưu trú không tăng nhiều, sự tăng trưởng này không mang lại nguồn thu lớn cho hoạt động du lịch.

Tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra mới đây tại TP.Hội An, rất nhiều khúc mắc từ vi mô đến chính sách vĩ mô đã được phía doanh nghiệp đề cập hết sức trăn trở.

Có thể kể đến vấn đề lãi suất ngân hàng, khúc mắc về nghiệm thu cửa thang máy khách sạn theo quy định phòng cháy chữa cháy mới, sự chồng chéo trong quy hoạch, quy định về đất, thủ tục trong xúc tiến đầu tư dự án du lịch sinh thái ở khu vực vùng Tây…

Doanh nghiệp cần tiếp sức

Rất nhiều kiến nghị đã được Sở VH-TT&DL gửi đến cơ quan có thẩm quyền các cấp để sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Một số kiến nghị đáng chú ý như xem xét có chính sách giảm mức lãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không áp dụng lãi phạt chậm trả; đề nghị Bộ VH-TT&DL sớm ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể đối với một số môn thể thao giải trí dưới nước, du lịch mạo hiểm; xem xét có chính sách giá vé máy bay ổn định, hợp lý để thúc đẩy người dân đi du lịch; đề nghị tỉnh chỉ đạo cơ quan liên quan tham mưu cơ chế chính sách, hướng dẫn cụ thể các thủ tục pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng…

Có thể thấy, đây đều là những “điểm nghẽn” lớn mà nếu tháo gỡ được sẽ giảm rất nhiều áp lực cho doanh nghiệp và cả du khách trong chặng đường phục hồi ngành du lịch.

Sức mua của thị trường du lịch rất yếu nên đà phục hồi của ngành du lịch vẫn gặp nhiều thách thức.
Sức mua của thị trường du lịch rất yếu nên đà phục hồi của ngành du lịch vẫn gặp nhiều thách thức.

Với chính sách thị thực được chính thức nới lỏng từ ngày 15/8/2023, cộng đồng doanh nghiệp du lịch đang rất kỳ vọng đây sẽ là cú hích để tạo ra sự đột phá với thị trường khách quốc tế.

Theo ông Cao Trí Dũng, ngành du lịch cần nhanh chóng triển khai một số chính sách hỗ trợ và kích cầu với cả thị trường nội địa lẫn quốc tế để tận dụng cơ hội này trong ngắn hạn, nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ sụt giảm khách.

Cần có sự phối hợp giữa các địa phương có hoạt động du lịch phát triển trong khu vực miền Trung để xúc tiến ngay vào một số thị trường như Ấn Độ, Hồng Kông (Trung Quốc), Indonesia… nhằm chớp lấy cơ hội khi triển khai chính sách nới lỏng về visa để đa dạng hóa thị trường khách.

Theo đại diện Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, áp lực khó khăn về trả lãi vay đối với cộng đồng doanh nghiệp du lịch hiện vẫn rất lớn và nằm ngoài khả năng hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Một trong những giải pháp mà cơ quan chức năng địa phương có thể tiếp sức là xem xét cơ chế hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng du lịch xanh, bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Quảng Nam thành điểm đến du lịch xanh theo chủ trương tăng trưởng xanh của tỉnh.

QUỐC TUẤN