Du lịch rừng: Chú trọng chất lượng và sự độc đáo
(VHQN) - Khám phá thiên nhiên, Camping, Trekking, Zipline... trở thành những hoạt động quen thuộc tại nhiều nơi chọn phát triển du lịch từ rừng.
Ở nước ta, đã có những vùng đất làm nên hình mẫu với các tour du lịch trải nghiệm thay đổi nhận thức về một thiên nhiên vô giá nhưng vô cùng nhạy cảm... Trong đó, Quảng Bình đang là địa phương được nhận định phát triển mạnh nhất các loại hình du lịch khám phá thiên nhiên hoang dã.
Cộng đồng bản địa làm du lịch
Ông Trương Minh Nam - hiện là porter (người vận chuyển hành lý) cho du khách khi khám phá hang Tú Làn. Từ một người hằng ngày làm các công việc dựa vào rừng ở vùng Tân Hóa, với việc chạy ăn từng bữa, bây giờ, Trương Minh Nam nói anh có một cuộc sống ổn định hơn khi tham gia làm du lịch.
Và đây chỉ là một trong 3.000 người theo thống kê của Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch, dịch vụ liên quan đến rừng tại Quảng Bình. Bước chân đầu tiên làm du lịch dần dần chắc chắn hơn khi họ đồng thời trở thành thành viên của các tổ bảo vệ rừng, nhóm bảo tồn thôn bản, hướng dẫn viên du lịch, porter...
Tại Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, phát triển du lịch miền núi không tách rời việc bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng và bảo tồn văn hóa bản địa. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn đến với khu vực miền núi. Ông Lê Trí Thanh cho rằng, ở khu vực miền núi, Quảng Nam đã thu hút được doanh nghiệp đầu tư du lịch tiêu chuẩn 5 sao. Tiềm năng khai thác du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng tại các địa phương như Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My… đang được đầu tư để phát triển. Ngoài ra, hình thành các loại hình du lịch nông nghiệp hữu cơ, du lịch gắn với văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi cũng sẽ là điều được tính toán.
Quảng Bình cũng là địa phương có quy mô phát triển du lịch khám phá thiên nhiên được nhận định mạnh nhất cả nước hiện nay. Trong đó, riêng Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) - đơn vị tiên phong tổ chức các tour du lịch trải nghiệm có khoảng 500 nhân viên, trong đó hơn 350 người là người dân lao động tại địa phương.
“Có được đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, thay đổi họ từ nhận thức, ý thức đến hành động chính là quả ngọt trên hành trình đầy khó nhọc. Từ một người khai thác rừng trái phép, họ trở thành người giữ rừng lặng lẽ, nâng niu từng cành cây, ngọn cỏ.
Từ khai thác rừng đến tư duy trân trọng giá trị của rừng, từ một người chỉ thích làm công việc nặng nhọc trong thời gian ngắn kiếm được ít tiền, chuyển qua một người thay đổi bản thân để làm dịch vụ hàng ngày; hay biến một người từ việc chịu khổ nhưng không chịu khó thành một người làm dịch vụ và được khách hàng yêu mến, là một quá trình đào tạo lâu dài mà Oxalis luôn kiên trì thực hiện” - ông Nguyễn Châu Á - Tổng Giám đốc Oxalis chia sẻ.
Sự tham gia của người dân địa phương là một trong 3 mục tiêu chính trong chiến lược kinh doanh của Oxalis. Trong đó, Oxalis chú trọng hỗ trợ cộng đồng làm du lịch thông qua việc đào tạo trình độ và tay nghề, giúp họ nhận ra được tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Đã có những thế hệ người lao động địa phương đầy trách nhiệm với môi trường, với chính cánh rừng đang nuôi sống họ.
“Từ một người không biết gì về du lịch, khi vào làm porter cho tour Tú Làn, chúng tôi được đào tạo, tập huấn thường xuyên để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là các kỹ năng leo núi, sơ cấp cứu, hướng dẫn và phục vụ khách hàng” - anh Trương Minh Nam nói.
Thay vì phải ngược vào rừng khai thác gỗ, 95% người dân ở các vùng đệm xung quanh Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cũng như các khu rừng lân cận tham gia hoạt động du lịch cùng các doanh nghiệp trên địa bàn.
Lựa chọn phương thức đôi bên hỗ trợ cùng phát triển, tạo ra sản phẩm du lịch cộng đồng có sức sống cũng như mang lại nhiều giá trị bền vững là mục tiêu cuối cùng để Quảng Bình xác định hướng phát triển du lịch từ rừng.
“Kinh đô” du lịch mạo hiểm
Đại diện Ban Quản lý (BQL) Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, với quan điểm rằng du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng là bộ mặt, là trái tim của du lịch Quảng Bình, BQL Vườn đã có nhiều biện pháp nhằm đưa du lịch Phong Nha có những bước phát triển đáng kể, theo hướng chuyên nghiệp với nhiều loại hình du lịch hướng đến sử dụng tài nguyên bền vững và các giá trị được chia sẻ.
“Chúng tôi từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, chủ động triển khai thực hiện đồng bộ cả 3 hình thức tổ chức là khai thác du lịch bao gồm tự thực hiện, liên doanh liên kết và cho thuê dịch vụ môi trường rừng nhằm nâng cao hiệu quả khai thác cũng như từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch” - ông Phạm Hồng Thái - Giám đốc BQL Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chia sẻ.
Từ chỗ chỉ có một điểm tham quan động Phong Nha - Tiên Sơn, đến nay Phong Nha - Kẻ Bàng đã có 15 tuyến, điểm du lịch đi vào hoạt động với nhiều loại hình du lịch phong phú, đa dạng. Du khách được khám phá thiên nhiên, khám phá hang động, Camping, Trekking, Zipline...
Đặc biệt, tuyến du lịch “Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới” được đánh giá là một trong những tour du lịch mang đẳng cấp quốc tế, là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của thế giới.
Tròn 20 năm được công nhận Di sản của UNESCO, tổng lượng khách đến tham quan tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đạt hơn 9,5 triệu lượt (trong đó khách quốc tế hơn 1,1 triệu lượt). Doanh thu từ phí và lệ phí đạt hơn 1.742 tỷ đồng.
Ông Phạm Hồng Thái cho rằng, du lịch ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng không chỉ đóng góp phát triển kinh tế cho khu vực mà còn là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn di sản, giảm áp lực lên tài nguyên thông qua tạo việc làm cho người dân bằng cách tạo ra xu hướng dịch chuyển lao động.
Đưa du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành Khu Du lịch quốc gia, trở thành “kinh đô” du lịch mạo hiểm của châu Á là mục tiêu Quảng Bình đang hướng đến. Trong đó, địa phương này đặt yêu cầu chú trọng chất lượng và sự độc đáo, phát triển tuyến điểm mới theo lộ trình và trên cơ sở ngưỡng, sức chứa môi trường rừng, giảm áp lực lên tài nguyên di sản...
Hẳn lý do để du lịch dựa vào tài nguyên rừng bản địa của Quảng Bình phát triển mạnh, không chỉ có cảnh quan. Bảo tồn thiên nhiên trở thành yếu tố sống còn để du lịch không chỉ đơn thuần là một cuộc đi chơi, khám phá...