Khám phá đại dương trên... đất liền
Viện Hải dương học Nha Trang được xem là đại dương thu nhỏ trên đất liền, nơi lưu trữ bộ mẫu sinh vật biển lớn nhất Việt Nam cùng hàng ngàn mẫu sinh vật nuôi trong bể kính ở thủy cung, là điểm tham quan thú vị khi đến tỉnh Khánh Hòa.
Bảo tàng Hải dương học do Viện Hải dương học Nha Trang quản lý, không chỉ là điểm du lịch hấp dẫn cho những ai thích khám phá sinh vật biển, tìm hiểu về biển và đại dương, chụp ảnh check-in, mà còn phù hợp cho những nhà nghiên cứu về biển và đại dương.
Mỗi năm, Viện Hải dương học Nha Trang đón hàng trăm nghìn lượt khách tham quan và học sinh, sinh viên, nhà khoa học đến học tập, nghiên cứu; khách tham quan nhiều nhất là vào dịp hè.
Viện Hải dương học Nha Trang nằm trên khu đất rộng khoảng 20ha, giáp biển. Có nhiều phân khu trưng bày rất thuận tiện cho khách tham quan như hồ, bể nuôi sinh vật biển, khu mẫu vật lớn, rạn nhân tạo, tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa, khu đa dạng sinh vật biển.
Du khách có thể tự mình tìm hiểu, khám phá bảo tàng vì mỗi khu vực, hình ảnh… đều có chú thích cụ thể. Tuy nhiên, để hiểu sâu hơn về biển và đại dương, đời sống sinh vật biển cũng như về bộ sưu tập mẫu sinh vật biển, bạn có thể nhờ người hướng dẫn với mức phí 60 nghìn đồng/lượt.
Ngay khi bước vào Bảo tàng Hải dương học, du khách được chiêm ngưỡng bộ xương cá voi lưng gù khổng lồ dài 18m cùng bộ xương hóa thạch của các sinh vật biển khác như cá nạng hải (một trong những loài cá đuối lớn nhất thế giới), bò biển Dugong Dugon (loài thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng).
Cùng gia đình tham quan Viện Hải dương học trong chuyến du lịch đến Nha Trang mới đây, em Nguyễn Thị Trà Giang (15 tuổi, Đà Nẵng) tỏ vẻ thích thú khi tận mắt nhìn thấy những loài động vật biển bơi lội tung tăng mà lâu nay chỉ thấy qua ti vi, sách vở. Trà Giang cũng như nhiều khách tham quan không quên chụp ảnh, quay video cảnh thủy cung ở Viện Hải dương học.
Trà Giang nói: “Em thích tìm hiểu về động vật, được tham quan Viện Hải dương học là trải nghiệm tuyệt vời và bổ ích. So với cách đây mấy năm em đến đây thì hiện nay, số lượng sinh vật, hiện vật trưng bày phong phú hơn nhiều. Em sẽ trở lại đây mỗi khi có dịp đến Nha Trang”.
“Hy vọng du khách sẽ thích thú khi bước vào không gian ngập tràn sắc màu của các loại san hô, các loài cá khi bước vào khu nhà kính của Viện Hải dương học.
Đặc biệt, nơi đây không chỉ là điểm đến tham quan du lịch mà còn là địa điểm giáo dục cộng đồng về hệ sinh thái biển, về tầm quan trọng của biển trong môi trường sống, rất thích hợp để các phụ huynh đưa con em của mình đến tìm hiểu kiến thức về các loài sinh vật biển cũng như ý thức bảo vệ môi trường.
Viện Hải dương học Nha Trang còn giúp xây dựng bộ mẫu sinh vật và phi sinh vật để trao đổi mẫu vật trong và ngoài nước, chuyển giao kỹ thuật bảo tàng biển, đồng thời chịu trách nhiệm trong việc hợp tác quốc tế về các vấn đề về hải dương” - thuyết minh viên giới thiệu với du khách.
Hồ nuôi sinh vật biển được xem là thủy cung thu nhỏ, rộng khoảng 5.000m2, nuôi hơn 300 loài sinh vật biển như các loại cá cảnh, tôm hùm, rùa biển, cá mập, san hô… Không chỉ trẻ em mà cả người lớn đều thích thú nhìn những những đàn cá đủ loại bơi lội tung tăng như đang ở đại dương.
Khu trưng bày đa dạng sinh vật biển là điểm nhấn của bảo tàng khi lưu trữ bộ sinh vật biển lớn “kỷ lục” với hơn 23 nghìn mẫu của khoảng 5 nghìn loài thuộc các nhóm thực vật biển, ruột khoang, thân mềm, giáp xác, da gai, cá, bò sát, thú biển…
Địa điểm được nhiều du khách check-in tại Viện Hải dương học là khu trưng bày tài nguyên biển Hoàng Sa - Trường Sa. Khu trưng bày giới thiệu tài nguyên, môi trường biển - đảo của Việt Nam. Đến đây, dường như mọi người cảm nhận về chủ quyền thiêng liêng và an ninh biển - đảo của Việt Nam rõ rệt hơn, để thêm yêu biển đảo quê hương.
Viện Hải dương học ở số 1 Cầu Đá, Nha Trang, Khánh Hòa; mở cửa từ 6 - 18 giờ hằng ngày, kể cả ngày lễ. Giá vé 40 nghìn đồng/người lớn, 20 nghìn đồng/học sinh, sinh viên; miễn vé đối với người khuyết tật và trẻ em dưới 6 tuổi.
Viện Hải dương học Nha Trang thành lập ngày 14/9/1922 với tên ban đầu là Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương, là cơ sở nghiên cứu khoa học ra đời sớm nhất ở Việt Nam. Năm 1930 được đổi thành Viện Hải dương học Đông Dương; năm 1952 được đổi tên thành Hải học viện Nha Trang. Sau khi Việt Nam thống nhất, Hải học viện Nha Trang, Viện Nghiên cứu biển Hải Phòng được sáp nhập thành Viện Nghiên cứu biển Nha Trang.
Đến năm 1993, Viện Hải dương học bao gồm tất cả cơ quan nghiên cứu biển trên toàn quốc, viện được tổ chức thành một viện chính ở Nha Trang và hai phân viện ở Hải Phòng và Hà Nội. Năm 2001, hai phân viện ở Hải Phòng và Hà Nội được nâng cấp thành Viện Địa chất và địa vật lý biển (Hà Nội) và Viện Tài nguyên và môi trường biển (Hải Phòng). Cả 3 viện đều trực thuộc Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam.