Ngược rừng săn mây
(VHQN) - Không phải bạn đi bao xa, quan trọng bạn đã khám phá hết vẻ đẹp quê nhà như thế nào là cách hai bạn trẻ Nguyễn Đình Quan Tuấn và Nguyễn Hoàng Duy chọn trên hành trình “du lịch bụi” về với núi rừng...
Bình minh trên núi cao
“Thức dậy cùng bè bạn bên ly cà phê sớm, trước mặt là một biển mây bồng bềnh trong ánh tím của rạng đông, đó là cảm giác tuyệt vời nhất mà tôi may mắn trải nghiệm được. Không thể dùng từ ngữ để diễn tả cảm giác hạnh phúc, chỉ biết, đó là buổi bình minh đẹp nhất mà tôi đã từng được thấy” - Nguyễn Đình Quan Tuấn, một bạn trẻ TP.Tam Kỳ chia sẻ.
Nguyễn Đình Quan Tuấn và Nguyễn Hoàng Duy (TP.Tam Kỳ) là đôi bạn đồng hành trong rất nhiều chuyến ngược núi. Lớn lên ở Nam Trà My, về phố, nhưng núi đồi cứ vương vấn trong hai bạn trẻ.
Thế là đi, từ đỉnh Quế Tây Giang, nóc Tăk Pổ của Nam Trà My hay ngược nguồn sông Thu về với Hòn Kẽm Đá Dừng. Hai bạn trẻ “du lịch bụi” bằng xe máy cùng “ngôi nhà trên lưng” là thiết bị cắm trại chuyên dụng. Trên những cung đường về núi, thú săn mây trở thành sở thích không thể bỏ qua.
Mê khám phá, nên những thử thách của các cung đường lạ cũng trở thành niềm thích thú của đôi bạn trẻ. Đường đến Tăk Pổ vẫn chưa hết gian nan, hay hành trình dài hơn hai trăm cây số ngược lên miền biên viễn chưa bao giờ là dễ dàng cho những người mới lần đầu đặt chân đến.
Tuấn kể, lần đầu tiên đến Đỉnh Quế (Tây Giang) vào chiều muộn, đôi bạn đánh liều xin lưu trú tại một ngôi nhà dân ở lưng chừng đèo.
“Rất may, hồi đó chủ nhà cũng khá thân thiện với lữ khách lỡ đường. Nhờ vậy mà lần đầu tiên tôi biết được vẻ đẹp của núi rừng trong một sáng huyền ảo. Mây sà xuống thung lũng, trắng xóa. Phía xa là rừng, mênh mông ngút ngát. Và không khí thì quá tuyệt vời. Chưa có nơi nào trong lành bằng những ngọn núi, ở độ cao hơn một ngàn mét so với mực nước biển” - Tuấn kể.
Đầu tháng 7 này, Tuấn và Duy cùng nhóm bạn đi xe máy ngược lên Tăk Pổ dựng trại. Xuất phát từ trưa, nhóm đặt chân đến nơi sau hơn 4 tiếng đồng hồ chinh phục những cung đường ngoằn ngoèo lên Nam Trà My.
“Hai trăm mét cuối cùng là một con dốc dựng đứng đầy thử thách. Leo lên đỉnh đồi, núi rừng mở ra trước mắt, như một cánh cổng để chạm tới trời. Dựng trại, ăn uống và nghỉ ngơi, sau một đêm, cả nhóm gọi nhau thức giấc lúc bình minh. Và rồi, cả nhóm gặp được thiên đường. Một thiên đường mây đúng nghĩa” - Duy kể về buổi sáng “săn mây” mà cả hai đã cùng trải qua.
Niềm yêu gửi lại
Những hình ảnh về buổi sáng “săn mây” Tăk Pổ đăng tải trên facebook tạo được nhiều hiệu ứng tích cực. Sau lần đi đó, cả hai làm “người dẫn đường” cho một nhóm bạn trẻ khác, không chỉ cắm trại săn mây mà còn tổ chức một hoạt động thiện nguyện nho nhỏ cho bọn nhỏ ở làng Tăk Pổ. Và hơn thế, rất nhiều bạn trẻ đã kết nối để cùng tìm về với núi, trong những chuyến trải nghiệm xanh, hòa mình vào đại ngàn.
“Mây núi như ùa vào mặt, vào người, như có thể đưa tay sờ lấy được mây. Đứng ở đó, cảm giác như đã quá lâu rồi mới có thể đến được một chốn bình yên tĩnh lặng, nơi có thể với tay chạm tới núi xanh, rừng xanh. Bao la đại ngàn, bao la màu xanh thắm diệu kỳ. Ai cũng như muốn hít căng lồng ngực sự trong lành của vùng cao” - Nguyễn Hoàng Duy chia sẻ.
Tăk Pổ hay Đỉnh Quế đã trở thành tọa độ du lịch mới của những bạn trẻ ưa khám phá, dẫu vùng cao vẫn còn nhiều cách trở. Bằng vẻ đẹp ban sơ của những nơi chưa có quá nhiều xâm lấn của bàn tay con người, những địa điểm săn mây mở ra từ độ cao hơn nghìn mét so với mực nước biển.
Sớm mai, khách lữ hành có thể may mắn thấy được vẻ đẹp của bình minh trên biển mây trắng ngang lưng trời. Vẻ đẹp của mây, của nắng, của gió rừng xào xạc thổi qua tai, tiếng chim hòa ca trong một sớm mai yên bình.
Đứng ở đó, để biết đâu là cao, đâu là xa, để tự hỏi mình đã bao lâu mới có thể rũ bỏ những ngột ngạt thường nhật của cuộc mưu sinh, hòa mình vào đất trời bằng cảm niệm của kẻ lữ hành phương xa lần đầu tiên chinh phục được cung đường đầy thử thách để đến được “cổng trời”...
Những chuyến đi như bồi đắp thêm niềm yêu, niềm tự hào, khi quê hương mình còn rất nhiều cảnh đẹp. “Vì ở đó quá đẹp, chúng tôi đã tự dặn mình không đốt cháy một ngọn cỏ nào giữa cánh đồng xanh, không để lại một chút rác nào giữa rừng núi. Vẻ đẹp đó hơn cả một món quà. Những người như chúng tôi, nhận quà, phải dặn mình giữ lòng biết ơn...” - Nguyễn Đình Quan Tuấn tâm sự.