Về dấu mốc người Tây tìm đến đất Quảng

NGUYỄN DỊ CỔ 10/09/2023 05:53

Từ thế kỷ 15, 16, nhiều nước tư bản phương Tây tìm đến phương Đông để buôn bán, khai thác tài nguyên và nhất là truyền giáo. Với vị trí cửa ngõ đường biển quốc tế, đất Quảng đã sớm in dấu chân thuyền nhân phương Tây từ buổi đầu, cách nay đã nửa thiên niên kỷ.

Thương cảng Hội An đầu thế kỷ 18. Ảnh: T.L
Thương cảng Hội An đầu thế kỷ 18. Ảnh: T.L

Dấu chân đầu tiên

Năm 1471, vua Lê Thánh Tông dừng chân ở đất Quảng đã nhìn thấy sự nhộn nhịp của thuyền buôn quốc tế neo đậu ở cửa biển nơi đây và khắc họa vào câu thơ “Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền” (Trống canh năm gió mát, thuyền Lộ Hạc).

Song, thuyền Lộ Hạc này là những thuyền buôn của các quốc gia trong khu vực, chưa phải là những hải thuyền phương Tây. Thế nhưng, chỉ sau đó 50 năm, những hải thuyền và thuyền nhân phương Tây lần lượt tìm đến và cập bến các cửa biển đất Quảng.

Theo tư liệu lịch sử, những người Tây phương đặt chân đến Việt Nam sớm nhất là người Bồ Đào Nha. Người Bồ Đào Nha đến Trung Quốc lần đầu tiên vào năm 1514, sau đó đến Phi Luật Tân (Philippines) năm 1521.

Năm 1523, người Bồ Đào Nha có tên Duarte Coelho đã đến nước ta để điều đình thông thương. Nhưng thời điểm này tình hình chính trị xã hội Đại Việt phức tạp, rối loạn vì liên quan đến Mạc Đăng Dung, do vậy việc điều đình thông thương không được gì.

Ông lần xuống phía Nam và dừng chân ở đất Quảng vào năm 1524. Trước khi rời nơi này, ông đã tạc trên núi đá ở Cù Lao Chàm một hình thánh giá lớn, có ghi niên hiệu và danh tính của mình.

Như vậy, Duarte Coelho đã đến phía Bắc Đại Việt nói chung và đất Quảng nói riêng sớm hơn nhân vật I-nê-khu (Thừa sai Ingatio, cũng là người Bồ Đào Nha, được chép trong sử tịch Khâm định Việt sử thông giám cương mục) đến 10 năm (1533).

Năm 1535, thuyền trưởng tàu Albuquerque là Antonio da Faria (người Bồ Đào Nha) đã neo đậu ở cửa biển Đà Nẵng để nghỉ ngơi và thăm thú vùng đất này vài ngày. Ông cũng đã đến Hội An và nhận thấy rằng Đà Nẵng lúc bấy giờ không sánh được với Hội An. Ông xem Hội An như là một trung tâm mậu dịch và hàng hải quốc tế quan trọng.

Người Bồ Đào Nha đến đất Quảng sớm nhất, nhận thấy tầm quan trọng của vị thế Hội An nhưng họ vẫn không lập thương điếm, mà chỉ đến Đàng Trong mua bán hàng hóa theo chu kỳ gió mùa mậu dịch. Người Anh cũng lui tới đất Quảng từ năm 1613. nhưng không đặt cơ sở buôn bán tại đây. Người Hà Lan có lập thương điếm ở Hội An vào đầu năm 1636 và chấm dứt năm 1759.

Thông tin của Hội Những người bạn cố đô Huế (BAVH) cho biết, vào tháng 2 năm 1645, có 4 tu sĩ nữ dòng Francisco trên một chiếc tàu Tây Ban Nha từ Ma Cao đến Phi Luật Tân vì bão phải neo dừng tại cảng Chàm. Và đó chính là những phụ nữ châu Âu đầu tiên đến đất Quảng nói riêng, Việt Nam nói chung.

Truyền giáo, bang giao

Kế tiếp bước chân thương nhân phương Tây đến đất Quảng vào thế kỷ 16 là những bước chân của các giáo sĩ phương Tây tìm đến vùng đất mới truyền đạo vào thế kỷ 17.

Đó là Giáo sĩ Francesco Buzomi (1576 - 1639), nhà truyền giáo, linh mục người Ý, đến truyền đạo ở Đàng Trong từ năm 1615; Francisco de Pina (1585 - 1625), giáo sĩ Công giáo người Bồ, đến Đàng Trong năm 1617; Cristoforo Borri (1583 - 1632), người Ý, nhà truyền giáo Dòng Tên, truyền đạo ở Đàng Trong vào khoảng 1618 - 1622. 

Đặc biệt là giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1591 - 1660), người Pháp, đến truyền đạo ở Đàng Trong trong một thời gian dài. Ông là người Pháp đầu tiên đến đất Quảng.

Từ thế kỷ 18 trở đi, nhất là nửa đầu thế kỷ 19, nhiều nước phương Tây muốn được thiết lập quan hệ bang giao với nước ta. Hầu hết tàu thuyền sứ thần Tây phương này đều đến cửa biển Đà Nẵng neo đậu để chờ triều đình nhà Nguyễn cho yết kiến. Nhưng triều Nguyễn dường như không tiếp nhận nguyện vọng bang giao, thông thương của bất cứ quốc gia phương Tây nào.

Năm 1803, Gia Long thứ 2, nước Anh cử sứ thần sang dâng quốc thư lập phố buôn bán tại Trà Sơn, nhưng nhà vua từ chối vì cho rằng cửa biển Đà Nẵng là cương giới quan trọng về mặt lãnh hải, không thể cho phép người nước ngoài đến ở.

Năm 1824, vua nước Pháp lại sai người mang quốc thư và phẩm vật đến xin giao hiếu, nhưng vua Minh Mạng mềm mỏng từ chối. Vua Thiệu Trị cũng giống với 2 đời vua trước, không bang giao với các nước phương Tây. Cửa biển Đà Nẵng từ 1847 trở đi trở thành nơi hứng chịu súng đạn của phương Tây.

Giá trị tinh thần

Không kể đến việc gây hấn, chiến tranh, người phương Tây từng đặt chân đến đất Quảng đã vô thức lưu lại những giá trị đáng kể.

Cái tên gọi Cochinchina để chỉ Việt Nam thế kỷ 16, hoặc vương quốc Đàng Trong thế kỷ 17 (không phải chỉ Nam Kỳ thời Pháp thuộc, thế kỷ 19) là chính do người Bồ đặt nên. Từ đó, nhiều nước phương Tây sử dụng phổ biến danh xưng này. Và, cái tên Cochinchina gắn chặt với hải cảng Hội An.

Giáo sĩ Cristoforo Borri trong quãng thời gian 5 năm truyền đạo đã viết nên một “tiểu địa chí” Đàng Trong bao gồm các mục quốc hiệu, vị trí diện tích, khí hậu, đặc tính lãnh thổ, phong tục, hành chính, thương mại…

Francisco de Pina có công trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ thời kỳ đầu, biên soạn cuốn từ điển Việt - Bồ. Từ nền tảng từ điển Việt - Bồ này, Alexandre de Rhodes đã phát triển, hoàn thiện thành cuốn từ điển Việt - Bồ - Latinh (1651).

Ngoài quyển sách Xứ Đàng Trong của Cristoforo Borri, những cuốn nhật ký của các giáo sĩ là tư liệu phản ánh về đời sống thường nhật của đất Quảng đương thời, hoặc có khi là ngoại giao triều đình.

Nhật ký của Alexandre de Rhodes ghi lại một cảnh tiếp đãi: “Vua và hoàng hậu ăn mặc lộng lẫy. Hai đại đội cận vua nhất mặc áo dài nhung tuyến màu tím có đai vàng ngang bụng, mỗi người lính có đại đao chuôi bạc đứng trong hàng ngũ không nhúc nhích và câm bặt. Buổi lễ bắt đầu bằng tiệc trà đã được đặt sẵn trên các mâm tròn đánh bóng và sơn thếp vàng, mỗi người có phần riêng (…). Trong buổi tiểu yến, các đoàn vũ nữ múa rất đẹp”.

Ngược lại, ghi chép của Bougainvile vào năm 1825 thì “các quan mặc phẩm phục, xem có vẻ kỳ cục hơn là sang trọng, làm bằng xa-tanh thêu chỉ vàng”.

NGUYỄN DỊ CỔ