Sự ra đời của Công hội đỏ Hội An
(QNO) - Từ năm 1897 đến năm 1914, thực dân Pháp tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở Đông Dương, trong đó Việt Nam là trọng tâm.
Nhằm thực hiện thành công việc khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã áp đặt và thực thi nhiều biện pháp, thủ đoạn kìm kẹp nhân dân ta từ tù đày, kìm hãm học hành, thuế khóa, lao dịch ở những nơi rừng thiêng nước độc, hải đảo xa xôi. Chính sách khai thác thuộc địa triệt để của thực dân Pháp làm cho tầng lớp tiểu tư sản, dân nghèo thành thị rơi vào tình trạng bấp bênh, nghèo đói.
Nhiều người trong số họ phải đi làm thuê, bán sức lao động cho các nhà tư sản để kiếm sống qua ngày với đồng lương rẻ mạt và chế độ lao động tồi tàn, thực hiện bần cùng hóa người lao động.
Tư sản Pháp thu hút nguồn nhân công này vào các xí nghiệp, hiệu buôn, đồng thời mộ phu cho các đồn điền ở Nam Kỳ và cao nguyên Trung Kỳ.
Tiêu biểu là năm 1928, có hai đợt tuyển nhân công. Đợt đầu có 450 người do Xuphô (Soufot) thực hiện và đợt sau có 500 người do Pheriê (Ferriez) chịu trách nhiệm tuyển dụng vào làm việc tại các đồn điền chè, cao su và phục vụ việc mở đường đến các đồn điền, hầm mỏ.
Cùng với quá trình khai thác thuộc địa, số lượng công nhân lao động ngày một tăng lên. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra vào năm 1929 để lại hậu quả nghiêm trọng. Nhân dân lao động cả nước nói chung và nhân dân Quảng Nam phải chịu nhiều thiệt hại trên các mặt đời sống xã hội. Nông dân bị bòn rút bởi thuế khóa, hạn hán, mất mùa. Công nhân lao động bị đe dọa bởi việc làm thất thường, bị chủ hạ lương, đuổi việc diễn ra thường xuyên.
Công hội đỏ Hội An tên gọi đầu niên của Công đoàn thành phố Hội An ngày nay, là một trong những tổ chức chính trị - xã hội ra đời sớm nhất của thành phố Hội An và của tỉnh Quảng Nam.
Tổ chức này đã có những đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, làm rạng danh vùng đất di sản.
Sự bóc lột tàn bạo, nghiệt ngã của kẻ thù đã đẩy nhân dân lao động vào cuộc sống cùng cực, buộc phải vùng lên đấu tranh tự giác vì lẽ sinh tồn. Trước những yêu cầu thực tế của xã hội, nhằm tập hợp một lực lượng thống nhất đấu tranh chống lại sự áp bức của các chủ xưởng, cơ sở sản xuất.
Trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhiều thanh niên, lao động Hội An sớm tiếp xúc với những trí thức yêu nước và thông qua sách báo tiến bộ của các hiệu sách và nhà buôn ngoại quốc, nên đã giác ngộ cách mạng sâu sắc.
Từ những yêu cầu của thực tiễn và đây cũng là điều kiện thuận lợi vào đầu năm 1929, tổ Công hội đỏ Hội An được thành lập - là tổ chức tiền thân của Công đoàn Hội An ngày nay.
Tham gia Công hội đỏ phần lớn là công nhân lao động và dân nghèo thành thị như Hà Mùi (công nhân thâu thuế chợ), Huỳnh Lắm (bán hàng rong), Nguyễn Thanh Thích (công nhân sở lục lộ), do Huỳnh Lắm phụ trách. Một thời gian sau phát triển thêm một số công nhân khác như Nguyễn Dần(công nhân vệ sinh), Nguyễn Văn Sai (công nhân giặt ủi Tòa Công sứ), Nguyễn Dùm (thợ sắc thuốc bắc).
Đến cuối năm 1929, Công hội đỏ Hội An phát triển thêm 12 người trong đội ngũ công nhân vệ sinh và Hội cứu tế đỏ. Năm 1930, tổ chức Công hội đỏ Hội An phát triển thêm 11 người gồm Nguyễn Lâu, Nguyễn Thừa, Nguyễn Huy (Phan Đức Huy), Huỳnh Tào, Ba Cửu Chảy, Trần Thừa, Nguyễn Thị Đùm, Trương Khánh, Trương Khuê, Ba Luyến, Nguyễn Dung do ông Huỳnh Tào phụ trách.
Công hội đỏ ra đời gắn liền với giai cấp công nhân, một giai cấp mới hình thành qua quá trình khai thác thuộc địa trước và sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất của thực dân Pháp. Vốn xuất thân từ nông dân, công nhân bị áp bức bóc lột nặng nề, đời sống cực khổ, khốn đốn, nhân phẩm bị khinh miệt, tính mạng bị coi rẻ. Nên công nhân vùng dậy đấu tranh để sinh tồn, để đòi lại phẩm giá của mình. Từ đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ đến đấu tranh giai cấp ngày càng quyết liệt. Tổ Công hội đỏ đã phát triển được nhiều hội viên ở xưởng lục lộ, nhà máy đèn, nhà dây thép (bưu điện), công nhân vệ sinh, công nhân khuân vác.
Những hoạt động, tuyên truyền, đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện làm việc, Công hội đỏ làm chuyển biến nhận thức của công nhân. Thông qua đình công, bãi công, công hội tạo điều kiện rèn luyện, thử thách, nâng cao giác ngộ, lập trường giai cấp và tinh thần đấu tranh cho công nhân ngày càng mạnh mẽ.
Tiếp thu ánh sáng chủ nghĩa Mác, nhiều công nhân lao động kịp thời có mặt trong những tổ chức Đảng, đoàn thể. Nhiều đoàn viên công hội đỏ đã trở thành lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị của thành phố, của tỉnh như Cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam, Chi bộ Đảng Hội An, Công hội đỏ, Phụ nữ giải phóng, Cứu tế đỏ, Đoàn học sinh như Huỳnh Lắm, Trần Văn Tăng, Nguyễn Thái, Bùi Tưởng, Ngô Tam Tư, Hoàng Kim Ảnh, Phùng Đảng…