Về bản địa bạ thời Gia Long của phường Tân Hiệp
Làng Tân Hiệp ở Cù Lao Chàm có hai bản địa bạ. Bên cạnh một bản được lập vào năm Bảo Đại thứ 2 (1927) đã công bố, nay chúng tôi xin giới thiệu một bản địa bạ khác có niên đại sớm hơn, giúp bổ khuyết cho nguồn sử liệu nghiên cứu về làng đảo đặc biệt này.
Bản địa bạ phường Tân Hiệp thời Gia Long
Gần đây, Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An sưu tầm, sao chụp, dịch thuật địa bạ các làng xã và xuất bản sách Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí.
Đáng tiếc là địa bạ của làng Tân Hiệp ở Cù Lao Chàm (cùng với phường Xuân Mỹ) được thu thập từ lưu trữ trong nhân dân nhưng một số trang tư liệu bị mất chữ nên chỉ đoán định địa bạ của làng Tân Hiệp cũng được lập vào thời vua Gia Long. Và có lẽ vì vậy mà sách trên chỉ giới thiệu bản địa bạ năm Bảo Đại thứ 2 (1927) do Nguyễn Bội Liên dịch chứ không phải là bản địa bạ có niên đại sớm hơn kia.
Chúng tôi may mắn tiếp cận và sao chụp được một bản địa bạ gốc của phường Tân Hiệp lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội), có ký hiệu 12352, gồm 11 tờ, khổ 18 x 27cm, mỗi tờ được viết trên hai mặt giấy.
Nhờ phần cuối của địa bạ có ghi rõ niên đại: “Gia Long thập tam niên nhị nguyệt nhị thập nhật” tức được lập vào ngày 20 tháng 2 năm Gia Long thứ 13 (1814) mà biết được đây là bản địa bạ phường Tân Hiệp thời Gia Long và có sớm hơn bản địa bạ đã công bố 113 năm.
Sách Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, dinh Quảng Nam, tập I của Nguyễn Đình Đầu cho biết có phường Tân Hiệp, thuộc Võng Nhi, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn với tứ cận và diện tích của làng: đông giáp biển và núi, tây giáp núi, nam giáp biển và núi, bắc giáp biển, toàn diện tích 27 mẫu 9 sào 5 thước, Thần từ 4 mẫu 2 sào; Hoang nhàn 10 mẫu 7 sào (tr.340). Qua đối chiếu, chúng tôi xác định được những thông tin sơ lược trên được trích dịch từ bản địa bạ thời Gia Long này.
Lịch sử phường Tân Hiệp
Xưa nay, vị trí, vai trò của Cù Lao Chàm được quan tâm nghiên cứu khá nhiều nhưng về mặt hành chính của phường Tân Hiệp từ thời chúa Nguyễn thì vẫn còn cần xác định cụ thể hơn.
Dựa vào danh mục làng xã chép trong sách Phủ biên tạp lục (Trần Đại Vinh dịch và bổ chính, 2021, tr.87), chúng tôi xác định được phường Tân Hiệp đương thời (cùng với phường Trung Mỹ) thuộc về thuộc Tân Dân, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn. Thuộc Tân Dân là thuộc quy tụ lớp dân mới đến sinh sống (Tân Dân: dân mới), đều có ở 3 huyện của phủ Điện Bàn (mà không thấy ở phủ Thăng Hoa) của xứ Quảng Nam, với tổng số đơn vị quản hạt là 58 thôn phường, trong đó hầu hết là đơn vị phường.
Theo cách sách chép thì thuộc Tân Dân là đơn vị ngang tổng, quy tụ cư dân nằm rải rác trong các huyện của phủ. Như vậy, với đơn vị hành chính là phường, lại nằm trong thuộc Tân Dân, chúng ta biết được phường Tân Hiệp thời chúa Nguyễn đã có nhóm cư dân người Việt mới đến lập làng, sinh sống trên đảo, do huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn quản lý.
Sang đầu thế kỷ 19, qua dòng xưng khai ở đầu địa bạ thời Gia Long của các chức sắc trong làng: 奠磐府網兒屬清洲總新合坊 (Điện Bàn phủ Võng Nhi thuộc Thanh Châu tổng Tân Hợp phường), ta thấy phường Tân Hiệp lúc này không còn nằm trong thuộc Tân Dân mà do tổng Thanh Châu, thuộc Võng Nhi, phủ Điện Bàn của dinh Quảng Nam quản lý (sách Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn sắp xếp phường Tân Hiệp thuộc về thuộc Võng Nhi của huyện Hòa Vang không hoàn toàn chính xác).
Thuộc Võng Nhi quản hạt 11 xã thôn phường vạn nằm rải rác trên dải đất ven sông dọc biển phía Bắc Quảng Nam với hoạt động kinh tế chính là làm lưới, đánh bắt cá, đưa đò, buôn bán… Riêng phường Tân Hiệp còn có thêm hoạt động khai thác yến sào trên đảo.
Đến năm Minh Mạng thứ 8 (1827), đơn vị hành chính thuộc bị xóa bỏ, thuộc Võng Nhi không còn thì phường Tân Hiệp thuộc về tổng Thanh Châu, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn và không thay đổi cho đến thời vua Đồng Khánh. Đầu thế kỷ 20, trong bản địa bạ của xã Tân Hiệp thời Bảo Đại vẫn thấy ghi xã Tân Hiệp thuộc tổng Thanh Châu, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn (Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí, tr.88-91).
Nhưng trên thực tế, huyện Hòa Vang lúc này là đơn vị độc lập với phủ Điện Bàn và xã Tân Hiệp không còn thuộc huyện Hòa Vang (từ năm Thành Thái thứ 11 - 1899) mà thuộc về tổng Thanh Châu do phủ Điện Bàn quản hạt trực tiếp.
Có thể thấy, nhờ có bản địa bạ thời Gia Long mà chúng ta nhìn rõ được xuyên suốt lịch sử của phường Tân Hiệp từ thời chúa Nguyễn đến triều Nguyễn.
Những thông tin quý
So với địa bạ thời Bảo Đại, trong địa bạ thời Gia Long, địa phận phường Tân Hiệp được mô tả đầy đủ hơn (chỉ rõ về các mặt giáp với các hòn núi cụ thể). Qua hai bản địa bạ, sau hơn 100 năm, tổng diện tích của làng tăng thêm gần 2 mẫu, do ruộng tư mới khai khẩn tăng lên.
Với việc họ tên các vị đứng ra lập bạ/kê khai (điểm chỉ) và các chủ sở hữu các sở đất ruộng trong phường Tân Hiệp được liệt kê một cách chi tiết, chúng ta biết rõ, vào đầu thế kỷ 19, có 5 tộc họ chính gồm Trương Văn, Trần Văn, Lê Văn, Nguyễn Văn, Mai Văn cộng cư trên đảo.
Cả hai bản địa bạ đều ghi các sở đất Thần từ Phật tự để xây các thiết chế tín ngưỡng - tôn giáo. Trong khi bản địa bạ thời Bảo Đại liệt kê ngoài miếu thờ Ông Tứ, Ông Bích, còn có thêm miếu Ngũ Hành, miếu thờ Tứ vị Thánh nương thì bản địa bạ thời Gia Long ghi rõ ngoài Thần từ đình (1 sào 1 thước), Tứ Dương Hầu miếu từ (10 thước), Bích Dương Hầu miếu (1 sào), Chư Linh Thần miếu từ (5 thước), còn có Quốc Ngọc Lân tôn thần miếu từ (7 thước).
Đây là thông tin quý liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông ở Cù Lao Chàm - Hội An nói riêng và các làng xã ven biển Quảng Nam, Đà Nẵng nói chung. Vì theo Phạm Phước Tịnh trong bài: “Phong tục thờ cúng cá Ông”, đến nay vẫn chưa thể biết địa điểm thờ Cá Ông đầu tiên nằm ở đâu mà chỉ “bước đầu đoán định ở Cù Lao Chàm vào cuối thế kỷ 19 đã có nơi thờ cúng cá Ông” (Báo Quảng Nam, 6/9/2020).
Do đó, với thông tin được cung cấp từ bản địa bạ thời Gia Long, chúng ta có cơ sở để khẳng định: ở Cù Lao Chàm, muộn nhất là đầu thế kỷ 19 (trước năm 1814) đã có một sở miếu thờ Cá Ông, với tôn xưng là Quốc Ngọc Lân tôn thần. Vị trí của miếu có thể ở chính lăng Ông Ngư trong khu dân cư thuộc xóm Đình, thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp ngày nay.
*
* *
Như vậy, bản địa bạ thời Gia Long là một mắt xích tư liệu rất quan trọng để làm sáng tỏ lịch sử của phường Tân Hiệp - Cù Lao Chàm thời Nguyễn. Thiếu bản địa bạ thời Gia Long thì bức tranh cộng đồng cư dân, đời sống sinh hoạt của làng đảo đặc biệt này cũng như của Hội An cách đây hơn 200 năm sẽ không được hiểu đầy đủ. Đặc biệt, bản địa bạ là sử liệu tin cậy cho phép xác định địa điểm đầu tiên thực hành tục thờ cúng cá Ông.