Hà Đông - Tam Kỳ: Làng và tư liệu chữ Nho

PHÚ BÌNH 25/06/2023 09:22

Ngoài các tư liệu đã được các cơ quan văn hóa, bảo tồn ở địa phương công bố và bảo quản, hiện còn khá nhiều tư liệu chữ Nho lưu trong các gia đình, gia tộc cũng như trên thực địa ở các huyện Núi Thành, Phú Ninh và TP.Tam Kỳ. Các tư liệu này gắn liền với tên một số làng xã xưa thuộc địa bàn huyện Hà Đông phủ Tam Kỳ thời phong kiến.

Hậu duệ mở hòm gia phả có tư liệu về võ quan thủy binh Võ Viết Kiểm. Ảnh: PHÚ BÌNH
Hậu duệ mở hòm gia phả có tư liệu về võ quan thủy binh Võ Viết Kiểm. Ảnh: PHÚ BÌNH

Tư liệu đề cập ở đây là các sắc phong, bằng cấp, văn bản giao dịch hành chính, văn khế ruộng đất, địa bạ và hồ sơ tộc họ; các văn khắc trên đá và trên gỗ ở các đình, miếu, chùa, nhà thờ tộc, nhiều nhất là trên các ngôi mộ xưa...

Ở Núi Thành

Trên địa bàn các làng/xã Tịch An Đông, Phú Hưng, Khương Mỹ, Bích Ngô, Thạch Kiều xưa (nay là hai xã Tam Xuân 1 và Tam Xuân 2) có các tư liệu chữ Nho rất đáng chú ý.

Bộ tư liệu ở làng Tịch An Đông với khá nhiều văn bản có liên quan đến hoạt động của “Chu tượng” (làng đóng thuyền) trải dài từ thời Gia Long đến thời Tự Đức. Qua bộ tư liệu này còn có thể biết tình hình huy động dân địa phương tham gia “tượng binh” (lính thợ đóng thuyền) trong các “Chu tượng thuộc” ở địa phương và kinh đô thời Nguyễn. Bộ tư liệu này còn cho biết quá trình hình thành “phường Tịch An Đông” đến “xã Tịch An Đông” (thuộc Chu Tượng) sau đổi thành làng/xã Tịch Đông từ sau khi lập phủ Tam Kỳ (1906).

Ở ấp Phú Bình làng Phú Hưng hiện còn bốn văn bia cùng khắc nội dung bản sắc phong “đồng tiền hiền làng Phú Hưng” trên mộ bốn vị tiền hiền Nguyễn, Trần, Lê, Đỗ. Nhà thờ tộc Trần (thôn Phú Bình, xã Tam Xuân 1) đang bảo quản bản chính sắc phong triều Duy Tân cấp cho ông tiền hiền họ Trần. Đây là bản gốc sắc phong tiền hiền duy nhất được tìm thấy ở vùng đất phía nam sông Tam Kỳ.

Bộ tư liệu ở làng Khương Mỹ có hơn 20 văn bản gồm bằng cấp, sắc phong, tư liệu về hành trình làm quan của một người trong làng (ông Trần Hưng Nhượng) trải qua các triều vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức. Đặc biệt, trong bộ tư liệu này, có hai bài thơ do chính tay hoàng tử Hồng Nhậm (sau là vua Tự Đức) viết tặng ông Nhượng - người từng là thầy học của mình.

Ở Phú Ninh

Trên đất làng Khánh Thọ xưa (nay thuộc xã Tam Thái và một phần xã Tam Dân), ngoài tấm bia kể sự tích lập chùa Bảo Thuận làng Khánh Thọ và tấm bia khắc bài văn khóc mẹ của Ngự sử Phan Văn Xưởng (đã giới thiệu trên Quảng Nam cuối tuần ngày 13 - 14/5/2023), còn có tấm bia đá lớn trên đầu mộ của bà Phạm Thị Lục sinh năm Ất Hợi - 1755 và mất năm Đinh Mão - 1807.

Bia này khắc bài minh 17 dòng gồm khoảng 384 chữ Nho cho biết bà từng là vợ quan Hiệp thủ cai quản tấn biển Hiệp Hòa (cửa An Hòa) thời chúa Nguyễn. Bài minh còn cho biết mấy nét về tình hình của dân vùng Hà Đông - Tam Kỳ vào các năm 1788 - 1789 (thời Tây Sơn).

Ở ấp Gia Thọ làng Tú Tràng xưa (nay là xã Tam An 2) trên vách ngôi miếu cổ “Tướng quân từ” (miếu tướng quân) còn tấm bảng gỗ khắc bài văn có nội dung kể về chuyện đổi tên ấp Cây Dừa thành Gia Thọ và nói về nền nếp lễ nghĩa cùng sự thành đạt của người làng, đặc biệt là gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Dục.

Ở làng Chiên Đàn (nay là xã Tam Đàn), ngoài các văn khắc trên bia đá và bảng gỗ dựng ở Văn thánh làng này (về sau được đưa về bảo quản ở Khổng miếu Tam Kỳ) còn có các hoành phi và câu đối đặt ở nội đình Chiên Đàn và đặc biệt còn có tấm bảng gỗ ở ngôi “Miếu trắng” gần đó. Qua tấm bảng công đức này, có thể biết ít nhiều về tình hình dân cư của làng Chiên Đàn hồi giữa thế kỷ 19.

Tại ngôi nhà của hậu duệ cụ Nguyễn Dục (nay ở Quán Rường xã Tam Đàn) có tấm hoành phi, treo trước gian thờ, khắc bài thơ thất ngôn tứ tuyệt. Theo tìm hiểu của người viết bài này, có khả năng đây chính là sáng tác của cụ Nguyễn lúc chuẩn bị về nghỉ ở quê nhà sau thời gian làm quan ở triều đình.

Ở thôn An Thiện xã Tam An có gia đình còn lưu tấm hoành “Tiết hạnh khả phong” rất đẹp.

Ở Tam Kỳ

Văn khắc trên đá ở nội thành Tam Kỳ (xưa là xã Tam Kỳ, thôn Tứ Bàn và các làng/xã lân cận) bắt gặp khá nhiều trên các ngôi mộ cổ như mộ bà Thục Đức, mộ ông Hồ Đức Bảo, mộ ông xử sĩ Nguyễn đại lang (ba ngôi này đã di dời do quy hoạch khu dân cư). Hiện còn tìm thấy hai bài minh tứ tuyệt rất hay trên mộ vợ chồng ông Huỳnh Hoàn Nhân ở làng Bình An Bạch Câu (sau đổi là làng Dưỡng An, nay thuộc địa bàn phường An Sơn).

Địa bàn làng Phú Quý Thượng (nay là thôn Quý Thượng, xã Tam Phú) còn lưu văn khắc trên tấm bia đá lập thời vua Tự Đức (nay dựng trong đình làng vừa được xây mới trên nền di tích cũ), nội dung không chỉ cho biết tình hình sinh hoạt dân cư, còn có hai chi tiết: làng có một võ quan thủy binh từng giữ chức Tấn thủ tấn biển Đà Nẵng và một văn quan có học vị cử nhân từng làm việc trong Hàn lâm viện triều đình Huế. Cả hai ông này đều sống và làm việc giữa thế kỷ 19, thời vua Tự Đức.

Văn bản chữ Nho còn lưu trong các di tích đình làng, nhà thờ tộc và tư gia ở nội thành Tam Kỳ khá phong phú. Ngoài các tấm hoành khắc theo nội dung sắc phong khen tặng của triều Nguyễn như “Thượng đẳng thần” (cho Thành hoàng làng Phương Hòa), “Thọ dân” (ở ấp Trà Cai và thôn Đoan Trai), còn có các bộ sắc phong triều Nguyễn cấp cho các nhân vật nổi tiếng như ông Doãn Văn Xuân - khai khoa đất Hà Đông (làng Quảng Phú), ông Nguyễn Văn Xán - từng giữ chức Sơn phòng sứ Quảng Nam (làng Quảng Phú).

Ở một tư gia phường Hòa Hương còn lưu nhiều văn bản hành chính của xã Tam Kỳ và thôn Tứ Bàn (vùng chợ Vạn - Tam Kỳ xưa), qua đó biết được khá nhiều mặt về tình hình sinh hoạt thương mại, văn hóa, hành chính của dân cư vùng trung tâm phủ Tam Kỳ xưa.

Và tư liệu về các võ quan thủy binh

Ở Núi Thành, ngoài bộ tư liệu nổi tiếng về ông Trần Văn Thái - võ quan thủy binh cao cấp của hai triều Tây Sơn và Gia Long, còn có các tư liệu về hai võ quan thủy binh triều Nguyễn là ông Võ Viết Kiểm (hậu duệ đang thờ ở xã Tam Anh Nam) và ông Lê Văn Ứng (hậu duệ đang thờ ở xã Tam Xuân 2).

Ở vùng đông Tam Kỳ, hậu duệ đang bảo quản tư liệu về các võ quan thủy binh Võ Văn Tây (người làng Phú Quý Hạ), ba võ quan họ Trương (cùng ở làng Ngọc Mỹ) và võ quan Trần Sài (làng Phú Quý Thượng)

Đặc biệt nhất là các tư liệu về võ quan thủy binh Lê Văn Ước (người làng Hòa Thanh Hạ) sau khi về hưu vẫn được triều đình điều động tham gia chỉ huy đoàn dân dõng của bốn địa phương từ phường Vịnh Giang (Thăng Bình) đến xã Hòa Thanh (Tam Kỳ) với nhiệm vụ canh phòng miền biển từ sau năm 1860 - sau khi thực dân Pháp mưu toan đánh chiếm Đà Nẵng.

PHÚ BÌNH