Làng Trường An huyện Hà Đông xưa

PHÚ BÌNH 11/06/2023 07:23

Có nhiều làng cùng mang tên Trường An trên địa bàn nhiều huyện của tỉnh Quảng Nam. Bài viết này chỉ trình bày về làng Trường An của tổng Đức Tân huyện Hà Đông thuộc phủ Tam Kỳ hồi trước năm 1945. Những dấu tích xưa hiện còn cho biết nhiều điều về ngôi làng ven bờ nam sông Tam Kỳ này.

Cổng đình Trường An hiện nay. Ảnh: PHÚ BÌNH
Cổng đình Trường An hiện nay. Ảnh: PHÚ BÌNH

Từ Đường An đến Trường An

Xưa, làng có tên Đường An. Trong địa bạ lập thời Gia Long, xã Đường An được ghi nhận tứ cận như sau: “đông giáp núi, tây giáp sông, nam giáp xã Trường Miên, bắc giáp thôn Cây Vông”. Núi tức là núi Trà Quân, nay ở phía tây nghĩa trang Gò Trầu xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành.

Sông là quãng sông Tam Kỳ nằm cách ngã ba sông Tam Kỳ khoảng 7km về phía tây nam. Xã Trường Miên về sau đổi thành Trường Cửu, nay nằm dưới lòng hồ Phú Ninh. Thôn Cây Vông về sau đổi thành tên chữ là Bích Ngô, nay thuộc phạm vi hai thôn Bích Ngô và Bích Tân xã Tam Xuân I.

Trong sách “Đồng Khánh địa dư chí” (1887 - 1888), tên xã Đường An (thuộc tổng Đức Hòa, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình) vẫn còn. Tờ bản đồ huyện Hà Đông in trong sách này vẽ rõ vị trí xã Đường An nằm giữa các xã Khương Mỹ (phía bắc); Bích Ngô (phía đông); Trường Cửu (phía nam) và sông Tam Kỳ (phía tây và tây bắc).

Chưa rõ làng/xã Đường An đổi tên thành Trường An khi nào. Bản đồ của người Pháp phát hành năm 1939 có ghi rõ tên xã Trường An ở vị trí xã Đường An được ghi trong bản đồ lập thời Đồng Khánh trước đó. Vậy là có thể việc đổi tên bắt đầu từ khi nâng huyện Hà Đông lên thành phủ Tam Kỳ (1906).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương dẫn nguồn từ tạp chí BAVH (Tạp chí của Hội những người bạn cố đô Huế) cho biết từ trước năm 1920 đã xuất hiện tên xã Trường An thuộc tổng Đức Tân (tách ra từ tổng Đức Hòa) của phủ Tam Kỳ rồi.

Những dấu tích trên thực địa

Sách “Đại Nam nhất thống chí” của triều Nguyễn ghi nhận con đập (thủy lợi) Đường An ở vùng này như sau: “Ở thượng lưu sông Tam Kỳ thuộc xã Đường An cách huyện Hà Đông 25 dặm về phía tây nam có đập đá, thuyền bè đến đó thì dừng”.

Dấu tích đập hiện nay không còn, chỉ còn một dải đá lớn giăng ngang sông. Đây là dải đá tự nhiên, vì thế ở Đường An/Trường An có tên xứ đất Đá Ngang, tên này vẫn còn lưu trên các giấy tờ ruộng đất xưa và trong các bài văn cúng.

Ven bờ nam sông Tam Kỳ, tính từ tháp Chăm Khương Mỹ lên khoảng 2km là địa giới phía đông làng/xã Trường An. Tại đây, ven đường từng có một ngôi cổ miếu được dân địa phương kính cẩn gọi là miếu Ông, ai đi ngang buộc phải xuống ngựa cởi nón.

Cách ngôi miếu này khoảng 500 mét, cạnh bờ sông có miếu Bà, khi trùng tu còn lưu câu đối (được cho) là chép lại từ trước khi miếu bị hư hoại do chiến tranh: “Nguyên tự tiền nhân tu miếu mạo/ Nguyện linh phù hiển hộ thôn dân” (Vốn trước người xưa xây miếu mạo/ Nguyện xin linh hiển giúp dân thôn).

Chưa rõ miếu Ông, miếu Bà này thờ ai? Liệu có thể suy đoán hai ngôi miếu này thờ “Quan Thánh đế quân” và “Đại càn Nam hải Tứ vị Thánh nương” theo như tập quán thờ tự các miếu Ông, miếu Bà ở nhiều làng xã khác ven sông Tam Kỳ?

Giữa làng (nay nằm rìa phía tây cạnh đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) có phần gốc còn mọc nhánh sum sê của cây đa cổ thụ rất lớn - dấu tích của cây đa trong khuôn viên đình làng Trường An xưa.

Theo lời kể của ông Trần Ngọc Khanh (sinh năm 1939, ở tổ 6 thôn Bích An, xã Tam Xuân I), dù ngôi đình xưa đã bị hủy hoại bởi chiến tranh, cư dân địa phương vẫn thường xuyên tổ chức các lễ tế xuân, tế thu dưới gốc đa gần nền đình này. Hiện tại, đình làng Trường An đã được phục dựng trên nền cũ.

Bản phả hệ khắc trên đá

Một dấu tích đặc biệt ở Trường An là bản Phả hệ của 8 hệ phái họ Trần (đặt trong nhà thờ tộc). Đây là bản trích ghi gia phả rất đặc biệt, được khắc hai mặt trên tấm bia đá lớn (khổ 0,7x0,9m). Dòng lớn đầu tiên khắc năm dựng bia là “Hoàng triều Tự Đức thập nhất niên, Thất nguyệt, Thượng hoán, cát nhật” (Bia lập vào ngày tốt, tuần Thượng hoán, tháng 7 năm Tự Đức thứ 11 - 1858).

Ngay dưới dòng ghi niên hiệu Tự Đức, văn bia ghi tên ông Trần Hưng Nhượng. Ông này thuộc phái 2 tộc Trần, khá hanh thông trên đường làm quan, từng là sư phó (thầy dạy học trong cung vua) thời vua Thiệu Trị. Góc trên bên phải ghi tên một người nổi tiếng đương thời duyệt lại văn bia này là ông Phó bảng Nguyễn Dục.

Mặt trước, ở trán bia, dòng ngang ở đầu ghi “Trần Đại Lang sở xuất” và ngay dưới là chữ “sinh hạ”. Tiếp đó, toàn bộ phần nội dung ghi gia hệ các đời thuộc 8 phái tộc Trần cư ngụ ở Đường An/Trường An và các làng xã lân cận. Các dòng cuối ghi tên các con cháu đóng góp vào việc mua đá, khắc và dựng bia.

Toàn bộ mặt sau tấm bia ghi ngày giỗ (kỵ nhật) của các bậc bề trên, tính từ đời ông Trần Ngọc Súy (hệ 1 - người đứng tên lập bia) trở lên. Cạnh ngày giỗ là tên các mảnh ruộng được chia cụ thể để lấy hoa lợi dùng giỗ chạp cho từng người quá cố trong các hệ. Qua đó, biết được nhiều tên xứ đất ở vùng Đường An/ Trường An và lân cận xưa.

Quê hương hai chí sĩ họ Dương

Làng/xã Trường An, huyện Hà Đông là quê hương của hai chí sĩ chống Pháp nổi tiếng Dương Thưởng, Dương Thạc. Bản kết án hai anh em họ Dương (của Pháp và Nam triều) còn lưu trong Châu bản triều Nguyễn ghi rõ quê hai vị là “làng Trường An, huyện Hà Đông, phủ Tam Kỳ”.

Cuốn “Thi tù tùng thoại” của cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng ghi rõ quê quán như vậy. Nhưng về sau, có nghiên cứu xác định quê hai chí sĩ họ Dương là làng Chiên Đàn, tổng Chiên Đàn, phủ Tam Kỳ. Đó là nhầm lẫn cần đính chính.

Hai anh em Dương Thưởng và Dương Thạc từng đỗ tú tài, có tinh thần chống Pháp triệt để. Họ từng nhiều lần thay mặt dân quê mình làm đơn gởi lên tòa Công sứ Pháp để tố cáo việc Tri phủ Tam Kỳ cùng hương chức tay sai tham nhũng và đàn áp dân.

Sau đó, lấy cớ hai ông đã xúi giục dân chúng địa phương tham gia phong trào cự sưu kháng thuế năm 1908, bọn thực dân Pháp và triều đình Huế đã khép tội phản loạn, đày ông Dương Thạc ra đảo Côn Lôn và đày ông Dương Thưởng lên Lao Bảo (Quảng Trị).

Cả hai chí sĩ đều hy sinh trong nhà tù. Ở quê, người em út của hai cụ Dương đã đưa con trai duy nhất của cụ Dương Thưởng lên vùng núi Thuận Yên huyện Hà Đông sinh sống để tránh bị truy bức.

Hiện tại, nhà ông Dương Hiến (ở tổ 4 thôn Bích An, xã Tam Xuân I) có bàn thờ các bậc cao đợi họ Dương, tính từ cụ Dương Thưởng và Dương Thạc trở lên. Ở nhà ông Dương Ngọc Tiên (cháu đích tôn 4 đời cụ Dương Thưởng) tại ngã ba đường tránh quốc lộ 1 - phía nam cầu Tam Kỳ cũ có bàn thờ cụ Dương Thưởng và cụ Dương Thạc cùng các vị con cháu trực hệ của cụ Dương Thưởng đã qua đời.

PHÚ BÌNH