Dấu tích làng Khánh Thọ

PHÚ BÌNH 14/05/2023 08:51

Làng/xã Khánh Thọ, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (sau đổi là phủ Tam Kỳ) nay phần lớn thuộc địa giới xã Tam Thái, huyện Phú Ninh. Trong tư liệu và trên thực địa, nhiều dấu tích của ngôi làng cổ này vẫn còn khá rõ.

Vùng Khánh Thọ trong bản đồ người Pháp năm 1938.Ảnh tư liệu
Vùng Khánh Thọ trong bản đồ người Pháp năm 1938.Ảnh tư liệu

Vùng này từng lưu truyền mấy câu vè “Nhứt thơm Chiên Đàn, nhì khoai lang Khánh Thọ”, “Chè Đức Phú, đậu Đức An, khoai lang Khánh Thọ”, hay “Khánh Thọ có một cái tài, nấu sét chén gạo nồi hai đầy tràn” (là nồi cơm chủ yếu ghế khoai lang hoặc sắn - NV), cho thấy làng xưa rất nghèo. Nhưng vượt trên những giai thoại về sự nghèo khó là những dấu tích của một ngôi làng văn vật có lịch sử khá lâu đời.

Tư liệu về Khánh Thọ xưa

Hiện chưa rõ về năm tháng thành lập làng cũng như họ tộc nào lĩnh tiền hiền làng, chỉ thấy trong sách “Phủ biên tạp lục” (1776) có ghi “chợ Khánh Thọ tiền thuế 45 quan”.

So sánh tiền thuế của các chợ Chiên Đàn (48 quan), chợ Hội An (49 quan) cùng thời được ghi trong sách này thì đến nửa sau thế kỷ 18, Khánh Thọ đã là một làng đông dân, hoạt động buôn bán khá nhộn nhịp.

Có được điều ấy bởi địa phương này nằm giữa các làng trù phú như Chiên Đàn (phía bắc), Phú Trà (phía đông), Đại Hanh (phía nam), Dương Đàn, Đức Tân (phía tây) và có ngôi chợ khá lớn nằm bên con đường huyết mạch giao thương buôn bán Tam Kỳ - Tiên Phước-Trà My. “Chợ Khánh Thọ, huyện Hà Đông” cũng được sách “Đại Nam nhất thống chí” của triều Nguyễn (giữa thế kỷ 19) ghi nhận là ngôi chợ lớn trong tỉnh.

Sách “Đồng Khánh địa dư chí” (1887 - 1888) cho biết xã Khánh Thọ có hai đơn vị hành chính là Giáp Đông và Giáp Tây. Ở huyện Hà Đông xưa còn có thêm hai đơn vị xã chia thành hai giáp đông, tây là xã Tân An Thượng (tổng Tiên Giang) và xã Xuân Lộc (tổng Vinh Quý).

Chưa rõ nội hàm của danh xưng đơn vị hành chính “giáp” này; chỉ biết đến khoảng nửa đầu thế kỷ 20, trong bản đồ phủ Tam Kỳ (xuất bản năm 1939) người Pháp đã ghi tên hai “xã” Khánh Thọ Đông và Khánh Thọ Tây thay cho hai đơn vị “giáp” có trước đó.

Văn bia chùa làng Khánh Thọ

Xưa, Khánh Thọ có hai đình làng (gọi tắt) là Thọ Đông và Thọ Tây, đến nay dấu vết hai nền đình vẫn còn. Vào thời Minh Mệnh, xã Khánh Thọ chưa chia làm hai giáp, bởi trong tấm bia đá kể sự tích dựng chùa Bửu Thuận (còn gọi là chùa Khánh Thọ) lập năm Minh Mệnh thứ 8 (1827) (nay đặt trong khuôn viên chùa Trân Bửu, xã Tam Thái, Phú Ninh) chỉ thấy ghi tên các hương chức, quan viên trong làng mà không phân biệt là người của giáp này hay giáp kia.

“Bảo Thuận tự bi ký” là tấm bia được khắc vào tháng Giêng năm Đinh Hợi - 1807 ghi các sự tích liên quan đến chùa Bảo Thuận (còn đọc là Bửu Thuận -NV). Đoạn mở đầu cho biết chùa này lập đã lâu, sau “những cơn binh hỏa làm vật đổi sao dời” (nãi kính binh hỏa, vật hoán tinh di) đến khi họ Nguyễn xây dựng vương triều, đất nước hết binh đao (cung ngộ Hoàng triều khôi phục, thiên hạ hướng bình) vào ngày tốt tháng 11 năm Minh Mệnh thứ 5 (1824) các bổn đạo hữu và chức dịch trong làng đã họp bàn và góp cây gỗ, tiền của, gạo thóc, công sức để trùng tu chùa.

Đoạn tiếp của nội dung văn bia kể tên các chức dịch trong làng (đương và cựu) cũng như các người làng đang giữ chức trong quân đội nhà Nguyễn đã tham gia đóng góp vào việc xây dựng chùa.

Qua danh sách gần 40 người này có thể biết về các chức danh viên chức hành chính của làng Khánh Thọ hồi đầu thời Minh Mệnh như Xã trưởng, Hương trưởng, Hội thủ, Thủ hiệp, Cai đình, Xã biện, Trùm ấp, Tự thừa, Công văn, Câu đăng, Trưởng ấp.

Qua đó cũng biết về các chức danh trong quân đội như Thành hầu, Tài hầu, Cai đội, Đội trưởng, Tiện nghi đội trưởng, Ngũ trưởng. Hệ thống viên chức ở làng xã và trong quân đội đã nêu cho thấy làng Khánh Thọ hồi đầu thế kỷ 19 là một làng khá lớn.

Văn bia khóc mẹ của cử nhân làng Khánh Thọ

Sách “Quốc triều hương khoa lục” cho biết ông Phan Văn Xưởng người làng Khánh Thọ, huyện Hà Đông đỗ cử nhân năm Giáp Ngọ (1834). Năm ấy, ông Xưởng mới 18 tuổi. 

Đường làm quan của ông cử nhân trẻ này đã được sách “Đại Nam thực lục” của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi lại ở nhiều chỗ: Năm 1842 (26 tuổi) ông được triều vua Thiệu Trị cử giữ chức Lễ khoa Chưởng ấn Cấp sự trung kiêm chức Kê hặc Ngự sử ở Tôn nhân phủ.

Cũng trong mùa xuân năm này, ông được tháp tùng đoàn tuần du của vua Thiệu Trị ra thăm Bắc Hà. Từ đất Bắc, được tin thân mẫu qua đời (ngày 14/3/1842), ông được phép nghỉ “đinh gian” (tạm nghỉ việc mấy tháng để về chịu tang cha hoặc mẹ).

Sau khi an táng mẹ, cử nhân trẻ Phan Văn Xưởng đã soạn bài văn bia khóc mẹ và đã được hai vị đại khoa đang làm việc tại Quảng Nam lúc ấy là các tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ và Nguyễn (hiệu) Chương Phủ cùng duyệt lại. Văn bia khắc trên đá này hiện còn lưu tại nhà thờ tộc Phan ở thôn Khánh Thịnh xã Tam Thái.

Qua bài “văn bia khóc mẹ” của Phan Văn Xưởng có thể biết cụ thể về sinh hoạt của một gia đình trung lưu ở xã Khánh Thọ xưa: chuyện làm ăn, chuyện lo cho con học hành, chuyện khuyên con giữ liêm chính khi làm quan và cả chuyện tang sự…

Hát bộ làng Khánh Thọ

Ở Khánh Thọ còn mấy ngôi mộ của nghệ nhân hát bội, trong đó có tấm bia mộ của một “ca trưởng” (người đứng đầu đoàn hát bộ) ở nghĩa địa phía sau chùa Trân Bửu. Khánh Thọ từng là một làng hát bộ (giáo phường) nổi tiếng nhiều đời với các gánh hát bộ lần lượt kế thừa nhau.

Thời Nguyễn, gánh hát Khánh Thọ đã từng có dịp ra Huế biểu diễn tại triều đình. Sách “Tự điển Nghệ thuật hát bội Việt Nam” có nhắc lại câu khen tặng của vua Tự Đức “Bình xướng tất Quảng Nam trung thanh/ Ca vũ nãi Khánh Thọ giáo phường” (Phỏng dịch: Về giọng, ắt phải kể giọng Quảng Nam/ Về ca vũ, hẳn là phải kể phường hát bộ Khánh Thọ).

Tư liệu về hát bộ ở Khánh Thọ thường nhắc đến tên của các kép hát nổi tiếng ở Khánh Thọ một thời như ông Quản Lan, ông Thi, ông Thuyền, ông Từ, ông Tiến, ông Cửu Vị, ông Nhưng Ấm… Đầu thập niên 1940 có các kép Luy, kép Hoành rất nổi tiếng.

Có thể gọi Khánh Thọ là cái nôi của hát bộ vùng Nam Quảng Nam, vì từ đây, các nghệ nhân hát bộ Khánh Thọ đã đào tạo thành danh nhiều nghệ nhân hát bộ ở các vùng Tiên Phước, Chợ Vạn, Hương Sơn, Cây Trâm, An Tân và đã dựng nên một phong trào biểu diễn ở khắp sân đình lớn ở vùng phủ Tam Kỳ xưa.

Hậu duệ nghệ nhân hát bộ Khánh Thọ nay số ít vẫn còn giữ nghề: họ cử nhạc ở các lễ cúng, đám tang; là đào kép các đoàn tuồng; cá biệt trở thành các “tổng hò” trong các lễ hội diễn xướng dân gian hoặc trong các đám tang.

PHÚ BÌNH