Áo hong khô ở A Nông

LÊ VĂN CHƯƠNG 17/10/2023 07:36

Đồn Biên phòng A Nông (huyện Tây Giang) là một trong những đơn vị bên cạnh công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, còn chọn hoạt động tăng gia sản xuất, phương châm “thực túc binh cường” làm mũi nhọn của phong trào Thi đua quyết thắng.

Một luống rau đay xanh tốt ở Đồn Biên phòng A Nông. Ảnh: Văn Chương
Một luống rau đay xanh tốt ở Đồn Biên phòng A Nông. Ảnh: Văn Chương

Đồn Biên phòng A Nông hiện ra bên cạnh con đường bê tông mới, uốn lượn quanh các sườn núi xanh rì bóng cây cao su. Trong không khí mát rượi của buổi ban mai, nhìn từ xa đã có thể cảm nhận đơn vị là một điểm sáng biên phòng về các hoạt động tăng gia, sản xuất, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ... qua màu xanh cây trái.

Kinh nghiệm khi đến công tác tại các đơn vị bộ đội biên phòng nằm ở tuyến núi, tôi hay quan sát bộ quần áo của các chiến sĩ mặc trên người, cả quần áo treo trên dây phơi sau nhà để đánh giá chính xác “thành tích”, độ cần mẫn và vất vả của các quân nhân.

Dưới mái tôn khu bếp nằm sau lưng nhà ở chiến sĩ của Đồn Biên phòng A Nông, hàng chục bộ quần áo đang được treo để... ráo mồ hôi. Chiến sĩ Alăng Phàn là người địa phương nở nụ cười trên khuôn mặt rám nắng nói vui: “Sáng ra vườn, chiều ra vườn, cho nên cứ khoác áo vào người rồi lại treo, chứ không giặt kịp”.

Thực hiện phương châm tạo nguồn rau xanh tại chỗ, thành quả tăng gia của đơn vị là những mảnh vườn xanh ngát các loại rau cải thìa, cải ngọt, cải thảo, cải ngồng… Ở miền xuôi, cải ngồng khi ăn có mùi hăng, nhưng ở vùng sơn cước này cải ngồng có vị thơm, bùi, đắng nhẹ. Nên trong bữa ăn, cải ngồng là món rau có hương vị lạ nhất đối với người ở miền xuôi lên đơn vị công tác.

Sau 3 năm kể từ những trận sạt lở núi kéo dài từ siêu bão Molave, khung cảnh xung quanh đơn vị vẫn còn những tàn tích của sự xói mòn, xâm thực, lũ quét. Mảnh đất đơn vị đang đóng quân không phải là đất thịt.

Nhưng rồi “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, đơn vị chăn nuôi bò, dê, ngựa, thu lấy nguồn phân, đi cắt lá xanh về ủ bón phân để tạo ra những vùng đất trồng rau xanh tốt. Người công tác ở miền xuôi lên sẽ được đơn vị đãi món “canh lạ” mà ngon, đó là mướp nấu với rau đay và rau mồng tơi.

Tại khu vực phía sau lưng nhà ở của cán bộ, rau đay được trồng thành luống lớn. Ở vùng có khí hậu lạnh, cây rau đay dù trồng đã vài tháng nhưng vẫn không bị tàn, phát triển thành những luống lớn, lá xanh um.

Các loại rau, bầu, bí, mướp chia đều ra trong các bữa ăn thì lượng rau đơn vị đang tăng gia luôn đảm bảo. Binh nhất Hốih Hóa cho biết, lúc ở nhà cũng quen việc đồng áng, nhưng khi vào đơn vị thì học thêm được nhiều cách tăng gia.

Không khí tăng gia sản xuất, xây dựng đơn vị xanh - sạch - đẹp được đưa vào nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị, vì vậy bên cạnh những luống rau còn có những ô đất dành để trồng các loại hoa cúc bách nhật, cúc chùm, phối thành những mảng màu hồng, đỏ, vàng… đẹp mắt.

Để chuẩn hóa hệ thống trồng hoa, cây cảnh, đơn vị dành riêng một góc để làm công xưởng chuyên đúc các loại chậu hoa, bao gồm chậu cao, chậu lùn, chậu hình bể...; trên thành chậu đều có họa tiết, hoa văn.

Buổi sáng, sau giờ tập thể dục là xung quanh đơn vị đã vang lên tiếng cuốc, xẻng, xe cút kít. Nhiều cán bộ đang công tác tại đơn vị chia sẻ, đối với mỗi đơn vị được xây dựng chưa lâu, phải mất vài năm mới hoàn thành xây dựng cảnh quan, môi trường, hệ thống cây xanh, chăn nuôi, rồi phải duy trì thường xuyên.

Với lực lượng biên phòng, mỗi cán bộ thường chỉ ở đơn vị vài năm, sau đó lại luân chuyển đi đơn vị khác, cho nên khi nhận công tác ở đơn vị nào, trồng cây cũng là cách lưu lại dấu ấn, để khi quay trở về thăm còn nhớ đến thành quả của cá nhân mình.

Một số chiến sĩ là người dân tộc Cơ Tu cho biết, sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về sẽ thực hiện trồng rau xanh quanh nhà như ở đồn biên phòng, tạo mô hình để đồng bào học tập, tạo nguồn rau tại chỗ, góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn.

LÊ VĂN CHƯƠNG