Thi công đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu

HÀN GIANG 10/10/2023 06:34

Hoạt động khai thác vàng trái phép trên đất lâm nghiệp; việc bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực thi công dự án đóng của mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh)... đã được nêu ra tại hội nghị Huyện ủy Phú Ninh lần thứ 16 vào cuối tuần qua.

Lực lượng chức năng truy quét, phá hủy máy móc thiết bị các đối tượng đưa vào khai thác vàng trái phép tại xã Tam Lãnh. Ảnh: P.V
Lực lượng chức năng truy quét, phá hủy máy móc thiết bị các đối tượng đưa vào khai thác vàng trái phép tại xã Tam Lãnh. Ảnh: P.V

Nguy cơ điểm nóng

Cuối tháng 9/2023, UBND huyện Phú Ninh thành lập Tổ công tác liên ngành theo dõi, chỉ đạo, xử lý vướng mắc đảm bảo cho quá trình thi công dự án đóng cửa mỏ quặng vàng tại Bồng Miêu.

Đối với xã Tam Lãnh, trên cơ sở chỉ đạo của Đảng ủy xã, UBND xã tổ chức họp dân Bồng Miêu hai lần để tuyên truyền chủ trương đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu; họp trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, tổ trưởng tổ đoàn kết triển khai chủ trương, kế hoạch và trang bị các tài liệu về đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu để tuyên truyền đến nhân dân.

Xã niêm yết công khai chủ trương đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu tại các nhà sinh hoạt thôn. Đài truyền thanh xã phát thông báo về đóng cửa mỏ vào buổi sáng và chiều hằng ngày...

Đến nay, UBND xã phối hợp với Phòng TN-MT huyện Phú Ninh hoàn thành việc đo đạc 335ha – ngoài diện tích đóng cửa mỏ, phục vụ cho công tác thu hồi đất tại mỏ vàng Bồng Miêu.

Về diện tích đóng cửa mỏ khoảng 45ha, UBND xã đã tiến hành rà soát các hộ dân lấn chiếm đất trồng cây tại 3 khu vực Đập Thải, Hố Gần và khu vực nhà máy, trạm nghiền. Theo đó, có 30 hộ có keo trồng trên đất, địa phương đã làm việc với 28 hộ bằng văn bản cụ thể và đều thống nhất bàn giao mặt bằng, cắt bỏ cây trên đất.

Ông Lê Minh Dũng – Bí thư Đảng ủy xã Tam Lãnh cho hay, làm vàng không phép tại khu vực đồi Sim, đập Thải, núi Kẽm đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, khu vực hầm lò vẫn còn tình trạng người dân vào đục đá mang về.

Tình hình phức tạp hơn khi các đối tượng chuyển sang làm vàng trái phép trên đất lâm nghiệp ở khu vực hố Ba Liên, thôn Đàn Thượng và một số khu vực khác. Trong khi đó, lực lượng công an xã bố trí 2 người trực mỗi ngày nên rất khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý. Việc xử lý đối tượng làm vàng trái phép trên đất lâm nghiệp của chính quyền xã gặp lúng túng, cần có sự hỗ trợ chuyên môn từ cấp huyện.

“Đảng ủy đã tập trung chỉ đạo tuyên truyền chủ trương đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu cơ bản đạt được sự đồng thuận của nhân dân. Việc thi công đóng cửa mỏ và đẩy mạnh công tác truy quét, xử lý các đối tượng làm vàng trái phép cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống một bộ phận người dân địa phương.

Hiện có một số luồng thông tin cho rằng đơn vị thi công đóng cửa mỏ là doanh nghiệp khai thác vàng (đơn vị này có lực lượng khoảng 100 người). Mặc dù địa phương đã tuyên truyền, vận động nhân dân rất nhiều, song tình hình luôn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến mâu thuẫn, xung đột giữa người dân với đơn vị thi công đóng cửa mỏ, dễ phát sinh điểm nóng” – ông Dũng nói.

Xử lý nghiêm

Báo cáo về kết quả truy quét khai thác vàng trái phép tại xã Tam Lãnh từ ngày 15/12/2022 đến cuối tháng 8/2023, theo Công an huyện Phú Ninh, công tác đấu tranh ngăn chặn đã được tăng cường so với các năm trước đây.

Số vụ việc bắt giữ, xử lý, tịch thu tang vật phương tiện cũng tăng lên, mức xử phạt có sức răn đe mạnh. Nhưng do giá vàng tăng cao, lợi nhuận lớn nên các đối tượng vẫn khai thác vàng trái phép, gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước chảy ra các sông suối trên địa bàn xã, gây dư luận không tốt trong xã hội.

Ngoài ra, trong báo cáo cũng nhận định, công tác đào tạo chuyển đổi ngành nghề lao động, tạo công ăn việc làm cho nhân dân trên địa bàn xã Tam Lãnh chưa được quan tâm đúng mức. Người dân không có việc làm, thu nhập ổn định chính là nguyên nhân dẫn đến sau khi Công ty vàng Bồng Miêu giải thể thì nhiều người tổ chức làm vàng trái phép để sinh sống.

Liên quan đến công tác đảm bảo cho quá trình thi công dự án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, ông Huỳnh Xuân Chính – Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh nói, huyện đã có quyết định lập các chốt kiểm soát, tổ công tác liên ngành, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành chuyên môn của huyện, xã Tam Lãnh phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị thi công.

Theo ông Chính, sau hội nghị Huyện ủy, UBND huyện sẽ có cuộc họp đánh giá lại tình hình, nhất là các vướng mắc và công tác phối hợp. Trong đó, có việc tham mưu Công an tỉnh cử lực lượng phối hợp với địa phương triển khai quyết liệt công tác kiểm tra, truy quét và xử lý các tụ điểm khai thác khoáng vàng trái pháp luật trên địa bàn xã Tam Lãnh, tập trung vào những khu vực thuộc dự án đóng cửa mỏ (núi Kẽm, hố Gần, đập Thải…). Hay việc xử lý cây trồng trên đất để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công ở những khu vực còn lại của UBND xã Tam Lãnh…

“Hoạt động khai thác vàng trái phép, nhất là ở trên đất lâm nghiệp phải được xử lý cương quyết. UBND xã Tam Lãnh phát hiện trường hợp nào thì báo cáo ngay cho Chủ tịch UBND huyện để chỉ đạo tăng cường lực lượng hỗ trợ kiểm tra, xử lý nghiêm” - ông Chính nói.

Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh giao UBND xã Tam Lãnh tăng cường công tác tuyên truyền vận động để nhân dân được biết và chấp hành chủ trương về đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu.

Rà soát lại nhu cầu việc làm, đào tạo nghề của nhân dân trên địa bàn, thông báo cho những người trong độ tuổi lao động trên địa bàn xã có nhu cầu đào tạo nghề thì đăng ký với UBND xã để báo cáo UBND huyện tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống.

HÀN GIANG