Duy Phước hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu
Sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2020, xã Duy Phước (Duy Xuyên) tiếp tục nỗ lực phát triển kinh tế gắn với huy động tối đa nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo nên diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Kinh tế chuyển biến
Ông Nguyễn Văn Phước - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phước cho biết, mỗi vụ nông dân trên địa bàn canh tác 491ha lúa. Năm 2023 năng suất lúa bình quân của xã đạt 75,7 tạ/ha (tăng 5,75 tạ/ha so với năm 2022), góp phần đưa tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 8.065 tấn, vượt 24% so với kế hoạch đề ra.
Đáng ghi nhận, địa phương đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, bố trí sản xuất 190ha nếp giống và lúa thương phẩm chất lượng cao, giúp thu nhập của nhà nông tăng 20 - 30% so với làm lúa thường.
Từ nguồn ngân sách nhà nước, năm nay HTX Nông nghiệp Duy Phước đầu tư 2,5 tỷ đồng xây dựng sân phơi và hệ thống lò sấy để tiến đến mở rộng quy mô liên kết sản xuất lúa giống hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Giai đoạn 2021 - 2023, Duy Phước tiếp tục huy động 90,5 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp từ chương trình hơn 7,1 tỷ đồng, vốn lồng ghép 79,3 tỷ đồng, doanh nghiệp hỗ trợ 2,2 tỷ đồng, nhân dân góp 1,7 tỷ đồng.
Từ nay đến năm 2025, xã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đồng bộ, hiện đại, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 71 triệu đồng, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 2%, tỷ lệ người dân hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới đạt 95% trở lên…
Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP, đến nay Duy Phước có 2 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh, gồm: dầu mè đen của hộ kinh doanh Trương Thị Tài và đĩa khu đền tháp Mỹ Sơn của cơ sở Nguyễn Tấn Quý.
Đồng hành với các chủ thể, từ nguồn ngân sách của huyện phân bổ, chính quyền xã Duy Phước hỗ trợ 250 triệu đồng cải tiến mẫu mã, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, quản lý nhãn hiệu sản phẩm…
“Những năm qua, Duy Phước thực hiện hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, triển khai mạnh mẽ chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời phát triển mạnh ngành nghề nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, hỗ trợ các chủ thể khởi nghiệp, chú trọng chất lượng đào tạo nghề... góp phần tạo thêm công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn” - ông Phước chia sẻ.
Ông Lê Hai - Chủ tịch UBND xã Duy Phước cho hay, thời gian qua tuy lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng giá trị sản xuất toàn ngành trong 9 tháng đầu năm 2023 vẫn đạt gần 500 tỷ đồng, bằng 97,5% so với kế hoạch đề ra. Hoạt động thương mại - dịch vụ đạt 418 tỷ đồng, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Kinh tế chuyển biến tích cực nên dự kiến năm 2023 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 56,5 triệu đồng, tăng 11,27 triệu đồng so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,33%, giảm 1,33% so với cách đây 3 năm” - ông Hai nói.
Hạ tầng khang trang
Những ngày này, xã Duy Phước huy động tối đa nhân lực, phương tiện tiến hành thi công công trình nâng cấp, mở rộng tuyến đường nối từ ĐH21.DX đi cầu An Mục (thôn Hà Nhuận) có chiều dài 371m, rộng 7,5m; tổng kinh phí đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Tuyến đường thuận lợi thi công là nhờ 45 hộ dân sống hai bên tự nguyện hiến 2.000m2 đất để mở rộng mặt đường.
Ông Đặng Hoa - Trưởng thôn Hà Nhuận chia sẻ: “Các công trình triển khai thi công đều thực hiện đúng theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân hưởng thụ”. Nhờ vậy, mỗi khi xây dựng hạ tầng nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, người dân hết sức phấn khởi và tự nguyện góp công, góp của”.
Theo tìm hiểu, giai đoạn 2021 - 2023, Duy Phước đổ bê tông hơn 9km đường trục xã, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xây dựng 5 cây cầu, cống thoát nước, kiên cố hóa 4 tuyến kênh mương, lắp đặt 5 công trình điện chiếu sáng.
Bên cạnh xây dựng, nâng cấp 8 nhà sinh hoạt văn hóa, 3 khu thể thao thôn, 2 điểm vui chơi - giải trí - thể thao cho trẻ em và người cao tuổi, địa phương tranh thủ các nguồn lực xây mới 2 chợ, từng bước đáp ứng tốt nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân.
Ông Lê Hai cho hay, thời gian qua cơ sở vật chất của các ngôi trường trên địa bàn Duy Phước được quan tâm đầu tư nâng cấp khang trang, trang thiết bị dạy và học cơ bản đầy đủ. Các trường tích cực vận động xã hội hóa xây dựng cảnh quan, khuôn viên nhà trường xanh - sạch - đẹp và an toàn.
Đến nay, trường học các cấp của xã đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có 3/4 trường đạt chuẩn mức độ 2. Đặc biệt, Trường THCS Kim Đồng thành lập các mô hình giáo dục thể chất rèn luyện thể lực, kỹ năng, sức bền cho học sinh như câu lạc bộ bóng bàn, võ cổ truyền, bóng chuyền, bơi lội. Công tác y tế luôn được chú trọng, cơ sở hạ tầng được đầu tư khá hoàn thiện.
Chương trình hỗ trợ mục tiêu về y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình, truyền thông, giáo dục sức khỏe thực hiện hiệu quả. Người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ cao. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, an ninh - quốc phòng được đảm bảo, góp phần tạo dựng cuộc sống bình yên cho nhân dân...