Linh hoạt lồng ghép vốn phát triển hạ tầng nông thôn
Những năm qua, trong quá trình thực hiện chương trình nông thôn mới, hầu hết địa phương của tỉnh linh hoạt lồng ghép các kênh vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Từ đó, góp phần giúp người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao nguồn thu nhập và tạo dựng nhiều làng quê kiểu mẫu.
Hiệp Đức nỗ lực lồng ghép vốn
Trừ thị trấn Tân Bình phát triển theo hướng đô thị, trên địa bàn huyện Hiệp Đức có tổng cộng 10 xã tham gia xây dựng mô hình nông thôn mới (NTM). Với điều kiện của một huyện miền núi còn rất nhiều khó khăn nhưng thời gian qua địa phương vẫn nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép hiệu quả các kênh vốn để thực hiện chương trình này, trong đó phần lớn nguồn kinh phí ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng.
Trong 2 năm 2021 – 2022, tổng nguồn vốn Hiệp Đức đầu tư cho chương trình NTM hơn 18,8 tỷ đồng. Huyện còn tập trung triển khai tốt các cơ chế, chính sách và tích cực huy động, lồng ghép nhiều kênh vốn để đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu tại 3 xã Sông Trà, Phước Trà, Phước Gia theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh nhìn nhận, nhờ nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép nhiều kênh vốn xây dựng NTM, những năm qua hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn Quảng Nam không ngừng phát triển.
Đến nay, toàn tỉnh có 146 xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông, 184 xã đạt chuẩn tiêu chí thủy lợi và phòng chống thiên tai, 179 xã đạt chuẩn tiêu chí điện, 146 xã đạt chuẩn tiêu chí trường học, 137 xã đạt chuẩn tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 184 xã đạt chuẩn tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, 170 xã đạt chuẩn tiêu chí thông tin và truyền thông, 153 xã đạt chuẩn tiêu chí nhà ở dân cư…
Năm 2023, tổng kế hoạch vốn xây dựng NTM của Hiệp Đức là gần 41,6 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư phát triển hơn 29,1 tỷ đồng và vốn sự nghiệp xấp xỉ 12,5 tỷ đồng.
Trong khi đó, với nguồn vốn gần 54,5 tỷ đồng của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm nay huyện tiếp tục ưu tiên xây dựng khá nhiều công trình ở 3 xã vùng cao Sông Trà, Phước Trà, Phước Gia.
Ông Nguyễn Tấn Nghiệp – Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, nhờ chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, những năm qua diện mạo nhiều làng quê của huyện ngày càng khởi sắc.
Nếu đánh giá theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022 – 2025 quy định tại Quyết định số 2072 (ngày 9/8/2022) của UBND tỉnh thì hiện nay bình quân số tiêu chí NTM đạt chuẩn của một xã trên toàn huyện Hiệp Đức là 11,3 tiêu chí.
“Tính đến thời điểm này, Hiệp Đức đã có 5 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, gồm Bình Lâm, Quế Thọ, Hiệp Hòa, Hiệp Thuận, Bình Sơn. Mục tiêu huyện đặt ra là từ nay đến năm 2025 có thêm 3 xã về đích NTM gồm Sông Trà, Quế Lưu, Thăng Phước” – ông Nghiệp nói.
Hiệu quả từ linh hoạt bố trí nguồn lực
Theo tìm hiểu, với Quảng Nam, tổng nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ chương trình xây dựng NTM của trung ương và tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 theo kế hoạch là hơn 2.205 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương hơn 879,6 tỷ đồng và vốn ngân sách tỉnh 1.326 tỷ đồng.
Trong 2 năm 2021 – 2022, số vốn đã phân bổ để thực hiện chương trình NTM trên cả tỉnh là gần 738 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương xấp xỉ 302,6 tỷ đồng và ngân sách tỉnh hơn 435,3 tỷ đồng. Năm 2023, tổng kế hoạch vốn thực hiện chương trình gần 600 tỷ đồng và đến cuối tháng 7 vừa qua đã phân bổ cho các địa phương gần 579 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 96%.
Tại cuộc làm việc giữa lãnh đạo tỉnh với đoàn giám sát của Quốc hội mới đây, ông Trần Văn Ẩn – Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho hay, đối với vốn trong chương trình NTM, 100% nguồn kinh phí tỉnh phân bổ cho cấp huyện theo kế hoạch đầu tư trung hạn, phân cấp triệt để cho địa phương tự chủ động thực hiện đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Theo ông Ẩn, ngoài nguồn vốn trực tiếp từ chương trình NTM, những năm qua Quảng Nam còn linh hoạt lồng ghép các kênh vốn của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đáng ghi nhận, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu gắn với thực hiện đạt chuẩn các tiêu chí NTM, như chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, thủy lợi, y tế, giáo dục, hỗ trợ phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân…
“Các nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng NTM được địa phương phân bổ, quản lý, sử dụng đảm bảo đúng nguyên tắc, mục đích và đối tượng. Ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện luôn được ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hoàn thiện các tiêu chí giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa của xã, thôn và đầu tư phát triển sản xuất.
Các nguồn vốn của nhân dân đóng góp, nguồn vốn hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân và nguồn vốn khác được thực hiện đúng quy định, đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, do người dân tự bàn bạc, quyết định thực hiện đúng quy chế dân chủ, không áp đặt. Tỉnh phân cấp rất mạnh cho cấp xã, huyện trong thực hiện và chịu trách nhiệm” – ông Trần Văn Ẩn nói.
Nhờ tập trung triển khai đồng bộ và hiệu quả nhiều giải pháp, đến nay bình quân số tiêu chí NTM đạt chuẩn của một xã trên toàn tỉnh (theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022 – 2025) là 14 tiêu chí. Trong tổng số 193 xã thực hiện chương trình NTM thì đã có 123 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM, chiếm tỷ lệ 63,73%.
Đáng chú ý, tỉnh đã có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM gồm Phú Ninh, Duy Xuyên, Điện Bàn, Tam Kỳ. Hiện đã có 10 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, trong đó có 1 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu (Đại Hiệp, Đại Lộc). Có 214 trong tổng số 957 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu hoặc thôn NTM, thôn NTM kiểu mẫu…
Theo lãnh đạo Văn phòng điều phối NTM tỉnh, Quảng Nam phấn đấu từ nay đến cuối năm 2023 có thêm 7 xã đạt chuẩn xã NTM; có thêm 15 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao và có thêm 1 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; có thêm ít nhất 80 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu...