Bình Lãnh hôm nay

CHÂU - TOÀN - TRÀ 17/08/2023 16:40

(QNO) - Là một trong những địa phương khó khăn nhất của huyện Thăng Bình, triển khai xây dựng nông thôn mới vào năm 2013 chỉ với 1 tiêu chí (an ninh trật tự), qua 10 năm, diện mạo nông thôn tại xã Bình Lãnh hôm nay đã có nhiều khởi sắc, đời sống người dân ngày càng đổi thay.

Đổi thay Bình Lãnh. Ảnh: VĂN TOÀN
Đổi thay Bình Lãnh. Ảnh: VĂN TOÀN

Dấu ấn hiến đất mở đường

ĐH28 được xem là tuyến đường đẹp nhất xã Bình Lãnh. Không chỉ đảm bảo các tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp, tuyến đường dài gần 1,5km là tuyến huyết mạch nối liền các thôn trên địa bàn xã, mở ra thời kỳ phát triển mới cho địa phương.

Để có được diện mạo hôm nay, hàng chục hộ dân hai bên đường đã tự nguyện hiến đất để mở rộng tuyến ĐH28.

Ông Phan Văn Nhân (thôn Sơn Cẩm Nga, xã Bình Lãnh) cho biết, trước đây con đường này “nắng bụi mưa bùn”, người dân đi lại rất khó khăn. “Khi có chủ trương mở rộng đường, bà con ai cũng phấn khởi, đồng lòng hiến đất để xây dựng tuyến đường” - ông Nhân nói thêm.

[VIDEO] - Người dân xã Bình Lãnh đồng thuận hiến đất xây dựng nông thôn mới


Còn ông Nguyễn Dũng (thôn Nam Bình Sơn, xã Bình Lãnh) cho hay, mới đầu thì người dân cũng còn “tính toán” chuyện được, mất khi làm đường, song nghĩ về tương lai sau này nên dần dần mọi người dân trong thôn đều đồng tình hiến đất.

“Gia đình tôi hiến 16 mét ngang mặt tiền và lùi vào hơn 1 mét. Giờ có con đường khang trang bà con ai nấy đều phấn khởi” - ông Dũng chia sẻ.

Ông Nguyễn Dũng (bên trái) trên khu đất gia đình hiến để mở rộng tuyến đường ĐH 28. Ảnh VĂN TOÀN
Ông Nguyễn Dũng (bên trái) trên khu đất gia đình hiến để mở rộng tuyến đường ĐH28. Ảnh: VĂN TOÀN

Ông Đặng Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lãnh cho biết, sau khi tuyến đường hoàn thành, địa phương giao về các thôn quản lý, phát huy vai trò các hội, đoàn thể trong việc tự quản từng khu vực, xây dựng tuyến đường đảm bảo tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp.

“Đến thời điểm này, trên địa bàn xã đã có 14 tuyến giao thông đường trục thôn và liên thôn, mặt đường đã được bê tông hóa đạt 100% với trên 14km, thành quả này có sự hưởng ứng, đồng thuận cao của người dân trong phong trào hiến đất làm đường” - ông Đặng Văn Minh khẳng định.

Tập trung cải thiện đời sống người dân

Nhìn con đường bê tông nội đồng, bà Võ Thị Loan (thôn Sơn Cẩm Nga) cho biết, chưa bao giờ việc đi lại và sản xuất của bà con nông dân lại tiện như lúc này.

“Đường bê tông dẫn đến tận ruộng, kênh mương dẫn nước được xây kiên cố, đến mùa gặt lúa thì có máy móc nên thu hoạch nhanh lắm” - bà Loan cho hay.

[VIDEO] - Người dân phấn khởi khi giao thông nội đồng được đầu tư, phục vụ sản xuất nông nghiệp


Đến nay, xã Bình Lãnh đã thực hiện quy hoạch, chỉnh trang đồng ruộng, dồn điền đổi thửa; cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống các công trình thủy lợi. Tỉ lệ kiên cố hóa kênh mương đạt trên 80%, diện tích sản xuất được tưới chủ động đạt gần 83%; xã có 15 tuyến kênh nội đồng với tổng chiều dài 18,53 km.

Giải quyết câu chuyện hạ tầng sản xuất nông nghiệp, xã Bình Lãnh tập trung tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Đơn cử như tại Hợp tác xã (HTX) Nông Dược Thiên Lộc, không chỉ liên kết trồng, mua bán, chế biến nông lâm sản, thực phẩm, giải quyết đầu ra cho nông sản địa phương, HTX này còn giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn với mức thu nhập ổn định.

Chị Thủy có công việc ổn định tại HTX Nông Dược Thiên Lộc. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Chị Thủy có công việc ổn định tại HTX Nông Dược Thiên Lộc. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Chị Đặng Thị Thủy (thôn Hiền Lộc) chia sẻ, làm việc tại HTX, chị tiết kiệm được chi phí xăng xe di chuyển, nhờ gần nhà nên chị cũng tranh thủ thời gian để lo việc gia đình. “Với mức thu nhập ổn định trên 5 triệu/tháng, ở quê như vậy là rất ổn định” – chị Thủy cho biết thêm.  

Tổng nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới tại xã Bình Lãnh từ năm 2013 đến nay đạt gần 110 tỉ đồng. Cùng với tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp - xây dựng - thương mại dịch vụ trên địa bàn xã luôn được quan tâm đầu tư.  

Hiện nay, trên địa bàn xã có 146 hộ và 6 doanh nghiệp sản xuất tiểu thủ công nghiệp – xây dựng – thương mại dịch vụ. Các hộ gia đình, các đơn vị doanh nghiệp hoạt động với các ngành nghề như may mặc, nhà máy gạch, cơ khí, nước uống đóng chai, dịch vụ ăn uống, tạp hóa... góp phần giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã là 44,58 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo các năm, nếu năm 2013 tỷ lệ nghèo 42,61%, thì đến nay, hộ nghèo đa chiều chỉ còn 1,89 %.

Theo ông Nguyễn Tấn Thiện - Chủ tịch UBND xã Bình Lãnh, thay đổi lớn nhất trong việc xây dựng nông thôn mới tại xã Bình Lãnh đó chính là thay đổi trong “cách nghĩ” của người dân.

Thành quả đạt được trong việc xây dựng nông thôn mới nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận của người dân. Mọi chương trình, kế hoạch, dự án khi được triển khai, địa phương đều quán triệt phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Người dân là chủ thể giám sát và hưởng lợi từ chương trình nông thôn mới.

“Thời gian tới, địa phương tiếp tục nâng cao các tiêu chí đã đạt được; tận dụng các cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện để đầu tư, nâng chuẩn các tiêu chí. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, hướng đến nông nghiệp sạch, áp dụng khoa học kỹ thuật, gia tăng giá trị sản xuất để nâng cao đời sống người dân” - ông Nguyễn Tấn Thiện nói.

[VIDEO] - Thay đổi lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới tại xã Bình Lãnh là thay đổi trong cách nghĩ về xây dựng nông thôn mới của người dân


CHÂU - TOÀN - TRÀ