Xây dựng xã nông thôn mới: Chuẩn mới, cần nguồn lực đầu tư mới

MAI NHI 12/05/2023 07:55

Trước tình trạng rất nhiều xã rớt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí giai đoạn 2022 - 2025, ngành liên quan đã đề xuất phương án hỗ trợ các địa phương đầu tư nâng chuẩn, nhất là đối với xã khó khăn khu vực miền núi.

Nhiều địa phương cần nguồn lực lớn để tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu. Ảnh: M.N
Nhiều địa phương cần nguồn lực lớn để tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu. Ảnh: M.N

“Rớt” do nâng chuẩn

Ông Trương Ngọc Vũ - Chủ tịch UBND xã Phước Ninh (huyện Nông Sơn) cho biết, giai đoạn 2011 - 2021, bằng nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ và huy động khác, địa phương đầu tư gần 88 tỷ đồng thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM). Năm 2021, Phước Ninh hoàn thành cả 19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM.

Khi áp dụng bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2022 - 2025, toàn tỉnh có 24 xã rớt tiêu chí quy hoạch, 20 xã rớt tiêu chí giao thông, 6 xã rớt tiêu chí trường học, 3 xã rớt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 5 xã rớt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, 30 xã rớt tiêu chí thông tin - truyền thông, 5 xã rớt tiêu chí nhà ở, 16 xã rớt tiêu chí thu nhập, 13 xã rớt tiêu chí nghèo đa chiều, 27 xã rớt tiêu chí lao động, 69 xã rớt tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, 8 xã rớt tiêu chí giáo dục - đào tạo, 65 xã rớt tiêu chí y tế, 27 xã rớt tiêu chí văn hóa, 53 xã rớt tiêu chí môi trường - an toàn thực phẩm, 22 xã rớt tiêu chí hệ thống chính trị - tiếp cận pháp luật, 19 xã rớt tiêu chí quốc phòng - an ninh.

Giữ danh hiệu được thời gian ngắn, ngày 9/8/2022 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2072 về áp dụng bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2022 - 2025 với nhiều chỉ tiêu tăng thêm khiến xã Phước Ninh “rớt hạng”.

Theo ông Trương Ngọc Vũ, qua rà soát theo bộ tiêu chí mới, địa phương có một số tiêu chí không giữ được chuẩn là giao thông, thông tin - truyền thông, thu nhập, lao động, môi trường - an toàn thực phẩm.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh - ông Ngô Tấn cho hay, trong số 118 xã của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011 - 2021, khi áp dụng theo bộ tiêu chí mới thì có đến 98 xã không duy trì được chuẩn.

Đáng chú ý, trong 19 tiêu chí mới, chỉ có 2 tiêu chí đảm bảo duy trì chuẩn là thủy lợi - phòng chống thiên tai và điện. Các tiêu chí rớt chuẩn chủ yếu do không đáp ứng chỉ tiêu tăng thêm.

 Cụ thể như, đối với chỉ tiêu về giao thông, giai đoạn trước chỉ yêu cầu các xã có từ 70% đường trục thôn được kiên cố hóa, còn nay buộc phải đạt 100%. Hay như giai đoạn 2022 - 2025 chuẩn nghèo tăng lên và tính luôn tỷ lệ hộ cận nghèo nên nhiều xã miền núi rớt tiêu chí nghèo đa chiều.

Đối với tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, có 3 chỉ tiêu tăng thêm là thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực, có bảo tồn làng nghề, có tổ khuyến nông cộng đồng.

Trong khi đó, tiêu chí y tế có chỉ tiêu tăng thêm rất khó là tỷ lệ người dân có sổ khám chữa bệnh điện tử. Riêng tiêu chí môi trường - an toàn thực phẩm có đến 4 chỉ tiêu tăng thêm, trong đó có một số chỉ tiêu Quảng Nam mới triển khai như phân loại rác thải tại nguồn, tỷ lệ thu gom chất thải nhựa, đất cây xanh công cộng...

Cần được tiếp sức

Ông Trương Ngọc Vũ - Chủ tịch UBND xã Phước Ninh cho rằng, để duy trì và nâng chuẩn theo bộ tiêu chí mới, thời gian tới xã cần khoảng 39 tỷ đồng xây dựng hệ thống giao thông, khu dân cư tập trung bố trí di dời dân vùng sạt lở, thủy lợi hóa đất màu, hình thành thêm ít nhất 50 mô hình kinh tế vườn mẫu...

“Hiện nay, nhu cầu về vốn đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn và hỗ trợ phát triển sản xuất ở Phước Ninh khá nhiều nhưng khả năng tài chính của xã lại quá eo hẹp. Do vậy, rất cần sự tiếp sức từ cấp trên” - ông Vũ nói.

Ông Ngô Tấn cho biết, đối với các tiêu chí “cứng” về hạ tầng như giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nước sạch, chợ, môi trường… thì mức hỗ trợ hằng năm 500 triệu đồng cho mỗi xã từ nguồn ngân sách tỉnh là không đủ để duy tu và bảo dưỡng các công trình đã đầu tư, nhất là ở những xã miền núi.

“Theo đề xuất của các địa phương và tìm hiểu tình hình thực tế hiện nay, bình quân mỗi xã cần khoảng 10 - 12 tỷ đồng để duy trì chuẩn NTM. Đến nay, theo kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 thì mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu trên, gồm 2,8 tỷ đồng vốn đầu tư và 2,5 tỷ đồng vốn sự nghiệp” - ông Tấn nói.

Theo ông Ngô Tấn, trong điều kiện hầu hết địa phương còn khó khăn về kinh phí, UBND tỉnh và các ngành liên quan cần xem xét cân đối bổ sung nguồn lực hỗ trợ cho các xã đã đạt chuẩn NTM để duy trì chuẩn theo bộ tiêu chí giai đoạn 2022 - 2025.

Phương án ông Ngô Tấn đưa ra là việc hỗ trợ được chia theo 3 nhóm. Cụ thể, đối với nhóm 10 xã đạt chuẩn NTM ở các huyện miền núi cao, gồm Trà Dương, Trà Tân, Trà Đông (Bắc Trà My), Trà Mai (Nam Trà My), Phước Xuân (Phước Sơn), xã Ba và xã Tư (Đông Giang), A Tiêng, A Nông, Lăng (Tây Giang) thì mức hỗ trợ cho mỗi xã là 3,5 tỷ đồng. Đối với nhóm 51 xã đạt chuẩn NTM từ năm 2016 trở về trước, mức hỗ trợ mỗi xã 2,5 tỷ đồng; nhóm 57 xã đạt chuẩn NTM từ năm 2017 - 2021, mức hỗ trợ mỗi xã 1,5 tỷ đồng.

“Tổng kinh phí đề nghị UBND tỉnh xem xét cân đối hỗ trợ cho các xã đã đạt chuẩn NTM để duy trì, nâng chuẩn theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022 – 2025 là 248 tỷ đồng. Do nguồn lực khó khăn nên năm 2023 này Văn phòng điều phối NTM tỉnh đề xuất mức hỗ trợ 133 tỷ đồng, trong đó 108 xã ở vùng đồng bằng - miền núi thấp mỗi xã mức 1 tỷ đồng và 10 xã miền núi cao mỗi xã 2,5 tỷ đồng; năm 2024 là 115 tỷ đồng” - ông Ngô Tấn nói.

MAI NHI