Quế Hiệp vượt khó cán đích nông thôn mới

NGUYỄN SỰ 21/04/2023 08:32

Nỗ lực vượt khó hoàn thành toàn bộ 19 tiêu chí, xã Quế Hiệp (Quế Sơn) đang gấp rút hoàn tất hồ sơ thủ tục liên quan để đề nghị cấp có thẩm quyền thẩm định, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Hạ tầng giao thông nông thôn của xã Quế Hiệp được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang. Ảnh: VĂN SỰ
Hạ tầng giao thông nông thôn của xã Quế Hiệp được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang. Ảnh: VĂN SỰ

Tươi sáng diện mạo làng quê

Cách đây vài hôm, về xã Quế Hiệp tìm hiểu chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng quê một thời nghèo khó này. Những con đường nhỏ hẹp và mịt mù bụi đất trong nắng gió của ngày trước, giờ đã được mở rộng, nâng cấp, đổ bê tông xi măng.

Dọc các trục đường với nhiều loại hoa khoe sắc là những ngôi nhà mới kiên cố mọc lên san sát. Nhiều trường học, trạm y tế, chợ, nhà sinh hoạt văn hóa... cũng được xây dựng khang trang.

Theo ông Trần Anh Toàn - Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp, sở dĩ diện mạo của địa phương khởi sắc như hôm nay là nhờ cả hệ thống chính trị nỗ lực triển khai chương trình NTM trong hơn 10 năm qua.

Ông Toàn cho biết, giai đoạn 2011 - 2022, bằng nhiều kênh vốn huy động, xã đã đầu tư gần 100 tỷ đồng, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.

Ông Trần Anh Toàn - Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp cho biết, nhờ lĩnh vực kinh tế chuyển biến mạnh mẽ nên những năm qua đời sống người dân địa phương không ngừng cải thiện. Năm 2022 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 44,5 triệu đồng, tăng 17,5 triệu đồng so với năm 2017. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của địa phương hiện chỉ còn 0,79%, giảm 8,21% so với cách đây 5 năm.

Ông Nguyễn Mỹ Thiệp - cán bộ chuyên trách NTM xã Quế Hiệp cho hay, ngoài nguồn vốn đầu tư của ngân sách nhà nước, những năm qua nhiều người con xa quê và nhân dân trên địa bàn xã đã đóng góp hơn 3,5 tỷ đồng cùng hàng nghìn công lao động để mở rộng, nâng cấp, kiên cố hóa hàng loạt tuyến giao thông nông thôn.

Đến nay, toàn bộ 26,4km đường trục xã, 18,7km đường trục thôn và liên thôn, gần 82% số trục đường ngõ xóm, hơn 73% trục đường chính nội đồng đã được bê tông, cứng hóa.

Cùng với chuẩn hóa đường giao thông, ngoài nhà sinh hoạt văn hóa - khu thể thao của 3 thôn Lộc Thượng, Trung Hạ, Nghi Sơn đã được xây dựng đạt chuẩn theo quy định thì năm 2022 Quế Hiệp cũng đã đầu tư gần 5 tỷ đồng thi công hoàn thành nhà văn hóa xã với diện tích 2.000m2. Địa phương cũng sắp hoàn thành xây dựng khu thể thao xã trên diện tích 8.000m2 với kinh phí 1,1 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2021 chính quyền xã Quế Hiệp đã chi 1,1 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa nhiều hạng mục của chợ Sơn Trung, đáp ứng nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân địa phương. Nhờ ưu tiên nguồn lực đầu tư, hiện nay cơ sở vật chất cũng như khuôn viên của các trường mẫu giáo, tiểu học, THCS trên địa bàn xã khá kiên cố, khang trang, đều được công nhận đạt chuẩn quốc gia...

Kinh tế chuyển biến mạnh mẽ

Ông Trần Xuân Bá - Phó ban Nông nghiệp xã Quế Hiệp cho hay, địa phương có 300ha đất lúa. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua xã đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi nhằm phục vụ nông dân phát triển sản xuất. Theo ông Bá, hiện nay trên địa bàn có 2 hồ chứa, 3 đập dâng, 6 đập bổi, 3 tuyến kênh bê tông chính, 1 tuyến kênh ống nhựa kín và hơn 25 tuyến kênh nội đồng đã được kiên cố hóa. Số công trình thủy lợi nêu trên đảm bảo cung ứng nước tưới cho 100% diện tích đất lúa trong vụ đông xuân và 75% trong vụ hè thu.

“Thời gian qua, chính quyền địa phương cũng tích cực phối hợp với ngành chuyên môn của huyện Quế Sơn tập huấn chuyển giao rộng rãi các gói kỹ thuật sản xuất tiên tiến và hỗ trợ nông dân đưa nhiều loại giống lúa mới có chất lượng tốt vào gieo sạ đại trà nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm gạo. Ước tính, vụ đông xuân năm nay năng suất lúa bình quân của xã đạt khoảng 62 tạ/ha, tăng 10 - 12 tạ/ha so với cách đây 5 năm” - ông Bá nói.

Những năm gần đây, người dân Quế Hiệp cũng tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức sản xuất hàng hóa, an toàn dịch bệnh. Toàn xã hiện có 10 gia trại nuôi bò lai, 10 gia trại nuôi heo thịt, 12 gia trại nuôi gà thương phẩm với quy mô vừa và lớn. Hằng năm, mỗi mô hình cho thu nhập từ 50 - 150 triệu đồng...

Bên cạnh đó, với lợi thế đất vườn - rừng khá lớn, thời gian qua người dân địa phương huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển mạnh mô hình trồng rừng nguyên liệu và các loại cây ăn quả. Hiện nay toàn xã có hơn 2.700ha rừng keo lai, mỗi năm nông dân khai thác bán cho các nhà máy chế biến dăm gỗ khoảng 550ha và bình quân mỗi héc ta cho mức thu nhập 70 - 90 triệu đồng.

“Trên lĩnh vực kinh tế vườn, đến nay địa phương có khoảng 65 mô hình trồng bưởi, cam, chuối, mít, ổi, đu đủ, hồ tiêu... với diện tích từ 500m2 trở lên. Trong đó, có 5 mô hình đã cho thu hoạch với mức thu nhập trung bình 50 triệu đồng/vườn/năm và 60 mô hình đang giai đoạn kiến thiết cơ bản” - ông Bá thông tin.

NGUYỄN SỰ