Quế An vượt khó xây dựng nông thôn mới
Trong điều kiện còn lắm khó khăn, những năm qua xã Quế An (Quế Sơn) nỗ lực triển khai hiệu quả nhiều phần việc của chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ nay đến cuối năm 2023, địa phương phấn đấu thực hiện hoàn thành toàn bộ 19 tiêu chí để về đích theo đúng lộ trình.
Tập trung xây dựng hạ tầng
Trở lại Quế An, ấn tượng đầu tiên là hàng loạt trục giao thông nông thôn chật hẹp, mù mịt bụi đất ngày trước, giờ đã được mở rộng và đổ bê tông xi măng hoặc nhựa hóa.
Ông Nguyễn Tuấn Hiền - Chủ tịch UBND xã Quế An nói, hạ tầng giao thông có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nên những năm qua chính quyền địa phương nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép nhiều kênh vốn đầu tư xây dựng. Tính đến thời điểm này, cả 16km đường xã, cùng 11km đường thôn và liên thôn của xã đã được kiên cố hóa. Trong số gần 17,5km đường ngõ xóm, hiện nay đã có 87,6% được bê tông hóa.
Nếu xét theo bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, Quế An đã hoàn thành 15/19 tiêu chí; xét theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 thì mới đạt 9 tiêu chí. Ông Nguyễn Tuấn Hiền nói, từ nay đến cuối năm 2023 xã sẽ nỗ lực thực hiện hoàn tất các tiêu chí còn lại của bộ tiêu chí mới để về đích theo đúng lộ trình.
Quế An có hơn 246ha đất lúa và 160ha đất màu. Thời gian qua, địa phương cũng tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng thủy lợi nhằm đảm bảo cung ứng nước tưới cho nông dân phát triển sản xuất.
Ông Cao Văn Phương - cán bộ chuyên trách nông thôn mới của xã cho biết, ngoài công trình trạm bơm điện Cầu Liêu và đập dâng 31 có từ trước, năm 2017 Quế An đầu tư 3,5 tỷ đồng thi công trạm bơm điện Đồng Chiêng. Từ năm 2018 - 2022, xã kiên cố hóa 19km kênh mương nội đồng với tổng kinh phí hơn 12,7 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tuấn Hiền cho hay, từ khi triển khai chương trình nông thôn mới đến nay, Quế An đã đầu tư hơn 47,6 tỷ đồng thực hiện nhiều phần việc. Nguồn kinh phí trên xã chủ yếu ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.
Ngoài hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi được quan tâm đầu tư, đến nay các trường mẫu giáo, THCS Quế An và trạm y tế xã đã được tầng hóa. Nhà văn hóa xã và nhà văn hóa của 4 thôn được xây dựng kiên cố, khang trang. Hiện, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công khu thể thao xã và hoàn tất các thủ tục để xây dựng mới Trường Tiểu học Quế An với kinh phí khoảng 8 tỷ đồng...
Nỗ lực phát triển kinh tế
Bà Võ Thị Phương Hiến - cán bộ nông nghiệp xã Quế An cho hay, nhờ hạ tầng thủy lợi được đầu tư xây dựng, đến nay trong tổng số hơn 246ha đất lúa đã có gần 200ha chủ động nước tưới.
Chính quyền địa phương tích cực phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện Quế Sơn tổ chức nhiều khóa tập huấn chuyển giao các kỹ thuật sản xuất tiên tiến và hỗ trợ nông dân đưa nhiều loại giống lúa mới vào canh tác đại trà. Theo bà Hiến, hiện nay năng suất lúa bình quân toàn xã đạt khoảng 55 - 58 tạ/ha, tăng 6 - 8 tạ/ha so với năm 2017 trở về trước.
Với lợi thế đất lâm nghiệp tương đối nhiều, những năm qua người dân Quế An tập trung nguồn lực đầu tư phát triển mạnh mô hình trồng rừng nguyên liệu theo phương thức sản xuất hàng hóa.
Bà Võ Thị Phương Hiến cho hay, toàn xã có không dưới 500 hộ dân tham gia trồng keo lai với tổng diện tích 639ha. Mỗi năm nông dân khai thác từ 120 - 150ha với mức giá bán bình quân 70 - 110 triệu đồng/ha. Đáng chú ý, khoảng 10 năm trở lại đây, trên địa bàn xã hình thành nhiều mô hình ươm cây giống lâm nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao.
“Hiện nay, Quế An có 27 vườn ươm keo lai, hằng năm cung ứng thị trường khoảng 5 triệu cây giống, thu về 4 - 5 tỷ đồng. Số vườn ươm này giải quyết việc làm ổn định cho hơn 100 lao động ở địa phương” - bà Hiến nói.
Lĩnh vực kinh tế vườn của Quế An cũng có bước chuyển mạnh mẽ. Theo ông Nguyễn Tuấn Hiền, đến nay toàn xã có khoảng 50 mô hình trồng tiêu, bưởi da xanh, ổi, mận, chuối... có diện tích vừa và lớn.
Còn đối với lĩnh vực chăn nuôi, người dân địa phương chọn mô hình nuôi bò lai làm hướng chủ lực. Thống kê sơ bộ, tính đến thời điểm này tổng đàn bò của Quế An khoảng 765 con. Hiện có hơn 20 hộ dân nuôi từ 5 con bò trở lên, bình quân mỗi năm 1 con bò cho thu nhập 10 - 15 triệu đồng.
Ông Nguyễn Tuấn Hiền cho biết, ngoài 2 cơ sở may mặc, hiện Quế An có khoảng 30 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp với nhiều ngành nghề và 65 cơ sở dịch vụ - thương mại... giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.
“Nhờ kinh tế phát triển mạnh, những năm qua đời sống người dân Quế An không ngừng cải thiện. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 42,5 triệu đồng, tăng 17,5 triệu đồng so với năm 2017. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 5,75%, giảm 8,83% so với cách đây 5 năm” - ông Hiền nói.