Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới: Nợ đọng dây dưa, chậm giải ngân vốn
Thời gian qua, việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản của chương trình nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 ở cấp huyện và cấp xã trong tỉnh còn dây dưa. Trong khi đó, tiến độ giải ngân nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước các cấp năm 2022 khá chậm.
Dây dưa nợ đọng xây dựng cơ bản
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh, tính đến cuối tháng 12/2022 tổng số nợ đọng trong giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn Quảng Nam là hơn 191,7 tỷ đồng, trong đó nợ thực hiện tiêu chí xã NTM hơn 160,2 tỷ đồng và nợ thực hiện tiêu chí huyện NTM gần 31,5 tỷ đồng.
Đối với khoản nợ trên, ngân sách trung ương và tỉnh không nợ, ngân sách cấp huyện nợ hơn 126,1 tỷ đồng, ngân sách cấp xã và các nguồn khác nợ gần 65,6 tỷ đồng.
Trong hơn 191,7 tỷ đồng nợ đọng thì nợ công trình đã quyết toán gần 41,4 tỷ đồng (cấp huyện nợ xấp xỉ 21 tỷ đồng, cấp xã và các nguồn khác nợ hơn 20,4 tỷ đồng), nợ công trình chưa quyết toán hơn 150,3 tỷ đồng (cấp huyện nợ gần 105,2 tỷ đồng, cấp xã và các nguồn khác nợ hơn 45,1 tỷ đồng).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị các sở, ngành, địa phương chỉ đạo khẩn trương thực hiện nguồn vốn năm 2023 đã được giao, hoàn thành việc giao vốn đầu tư theo danh mục cho cấp xã trước ngày 15/3/2023 và lựa chọn nhà thầu chậm nhất trong tháng 4/2023.
Đến ngày 30/6/2023, công trình, dự án nào có tỷ lệ giải ngân 0% sẽ xem xét điều chuyển cho công trình, dự án khác trên địa bàn xã hoặc điều chuyển cho xã khác trong địa bàn huyện. Kho bạc Nhà nước tỉnh chỉ đạo kho bạc nhà nước cấp huyện dừng giải ngân đối với công trình đến ngày 30/6/2023 có tỷ lệ giải ngân 0% để phục vụ việc điều chuyển...
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh nhìn nhận, bên cạnh cân đối nguồn vốn đối ứng thực hiện Chương trình NTM giai đoạn 2022 - 2025 nợ xây dựng cơ bản ở cấp huyện và cấp xã còn nhiều, việc trả nợ chủ yếu trông chờ vào khai thác quỹ đất. Tuy nhiên, việc khai thác quỹ đất còn nhiều khó khăn, thủ tục phức tạp.
Theo ông Tấn, thời gian qua giá vật liệu xây dựng và nhân công tăng; đặc biệt là giá cát, sỏi, đất san lấp chưa được điều chỉnh kịp thời, phần tăng cao này cấp xã và người dân phải chịu đối ứng nên dễ phát sinh nợ ở cấp xã.
“Đáng chú ý, công tác quyết toán dự án hoàn thành đối với những công trình đã thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2020 còn khá nhiều. Hiện nay, còn đến 1.042 công trình chưa quyết toán, đây là vấn đề đáng báo động và cần quan tâm chỉ đạo trong năm 2023” - ông Tấn nói.
Theo ông Ngô Tấn, chính quyền các cấp cần tập trung chỉ đạo quyết toán dự án hoàn thành để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, nhất là nợ giai đoạn 2018 - 2020 ngay trong quý II năm 2023.
Cạnh đó, rà soát danh mục đầu tư, cắt giảm quy mô các công trình chưa thực sự cấp thiết, ưu tiên bố trí thanh toán nợ xây dựng cơ bản trước khi đầu tư công trình mới. UBND tỉnh xem xét, ưu tiên bố trí nguồn tăng thu, vượt thu hằng năm để hỗ trợ các địa phương khó khăn thanh toán nợ đầu tư xây dựng cơ bản.
Kiên quyết xử lý trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã và cấp huyện nếu xã còn nợ đọng xây dựng cơ bản trái quy định, nhất là ở các xã đã đạt chuẩn NTM. Nếu không có kế hoạch xử lý nợ thì thu hồi bằng công nhận đạt chuẩn NTM và kiểm điểm các tổ chức, cá nhân liên quan.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn thống nhất với đề xuất của ông Ngô Tấn; đồng thời yêu cầu các cấp, ngành thời gian tới tích cực phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc khai thác quỹ đất để tạo nguồn thu cho các địa phương giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản.
Chậm giải ngân vốn
Ông Nguyễn Kim Vân - cán bộ chuyên trách NTM huyện Quế Sơn cho biết, thực hiện Chương trình NTM năm 2022, địa phương được ngân sách trung ương hỗ trợ 19,4 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển hơn 15,5 tỷ đồng, vốn sự nghiệp gần 3,9 tỷ đồng) và ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 14 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 11,3 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 2,7 tỷ đồng).
Tuy nhiên, thời gian qua việc giải ngân các kênh vốn vừa nêu khá chậm. Tính đến ngày 31/1/2023, Quế Sơn mới chỉ giải ngân được hơn 5,5 tỷ đồng trong số hơn 15,5 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương (đạt 35,7%) và gần 9,9 tỷ đồng trong số 11,3 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách tỉnh (đạt 87,6%).
Đối với nguồn vốn sự nghiệp, ngân sách trung ương chưa giải ngân được đồng nào, còn ngân sách tỉnh chỉ giải ngân được 475 triệu đồng trong số hơn 2,7 tỷ đồng (đạt 17,3%).
Năm 2022, tổng nguồn vốn Quảng Nam huy động thực hiện Chương trình NTM là hơn 1.982,5 tỷ đồng, gồm ngân sách nhà nước các cấp gần 1.590,4 tỷ đồng, vốn tín dụng xấp xỉ 40 tỷ đồng, vốn huy động từ các doanh nghiệp và HTX gần 28,6 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp quy ra giá trị gần 323,6 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/1/2023, các địa phương mới chỉ giải ngân được 42% các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trong kế hoạch thực hiện Chương trình NTM năm 2022.
Một số ý kiến cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn xây dựng NTM năm 2022 chậm tiến độ. Cụ thể, ngày 20/7/2022 HĐND tỉnh mới có nghị quyết về phân bổ vốn kế hoạch năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025. Từ đó, HĐND cấp huyện mới phê duyệt danh mục chi tiết công trình đầu tư công trung hạn thực hiện Chương trình NTM năm 2022 và giai đoạn 2021 – 2025.
Cạnh đó, vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương năm 2022 chậm phân bổ nên việc tổ chức triển khai và giải ngân nguồn vốn kế hoạch năm 2022 gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ giải ngân thấp. Đáng chú ý, theo cơ chế phân cấp, nhiều huyện chậm chỉ đạo phê duyệt kế hoạch trung hạn, chậm giao vốn cho cấp xã...
Theo ông Ngô Tấn, các đơn vị, địa phương khẩn trương hoàn thành công tác chuyển nguồn, kéo dài kinh phí năm 2022 sang năm 2023 để thực hiện theo đúng thời gian UBND tỉnh đã chỉ đạo tại Công văn số 8668 (ngày 23/12/2022).
Tập trung thực hiện giải ngân 100% vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 trước ngày 31/12/2023. Trường hợp đơn vị, địa phương nào không giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022 chuyển sang thì chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và sẽ giảm bố trí vốn kế hoạch năm sau.