Xây dựng nông thôn mới ở xã Quế Minh (Quế Sơn): Khó chặng về đích
Nan giải bài toán giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, thiếu nguồn lực tài chính đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu... khiến xã Quế Minh (Quế Sơn) gặp khó trong chặng về đích nông thôn mới vào năm 2023.
Nông nghiệp chuyển biến tích cực
Ông Lê Bảy - cán bộ phụ trách lĩnh vực địa chính & xây dựng nông thôn mới (NTM) của xã Quế Minh cho biết, địa phương có 4 thôn Đại Lộc, Sơn Lộc, An Lộc, Diên Lộc với tổng số 1.300 hộ dân (4.234 nhân khẩu), cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Toàn thôn có 230ha đất lúa, phần lớn diện tích sử dụng nước tưới từ hồ chứa Việt An.
“Trên địa bàn Quế Minh có khoảng 33km kênh mương chính và nội đồng. Những năm qua, nhờ ưu tiên nguồn lực đầu tư nên đến nay đã có 94% được kiên cố hóa. Trong số 230ha đất lúa, hiện có 206ha chủ động nước tưới và 24ha phụ thuộc nước trời. Năm 2022 năng suất lúa bình quân của xã đạt 60 tạ/ha, tăng 13 tạ/ha so với năm 2011” - ông Bảy nói.
Theo ông Lê Bảy, từ năm 2011 đến nay, xã Quế Minh đã đầu tư gần 76 tỷ đồng cho chương trình NTM. Khi phát động xây dựng mô hình NTM vào năm 2011, Quế Minh chỉ đạt 3/19 tiêu chí là quy hoạch, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng - an ninh. Đến nay, địa phương đã đạt 15 tiêu chí theo quy định tại Quyết định số 756 của UBND tỉnh. Từ nay đến gần cuối năm 2023, xã phấn đấu thực hiện hoàn thành 4 tiêu chí còn lại gồm giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất - phát triển kinh tế nông thôn để cán đích NTM.
Với lợi thế đất lâm nghiệp tương đối nhiều, thời gian qua nhân dân Quế Minh đầu tư phát triển mạnh mô hình trồng rừng nguyên liệu. Hiện nay, toàn xã có 217ha rừng keo lai, hằng năm người dân khai thác khoảng 45ha với giá bán từ 80 - 100 triệu đồng/ha.
Nông dân địa phương cũng tập trung cải tạo nhiều diện tích đất vườn và đầu tư xây dựng mô hình trồng cây ăn quả. Tính đến thời điểm này, Quế Minh có 102 khu vườn có diện tích từ 1.000m2 trở lên chuyên canh các loại cây bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ, mít Thái, chuối... Bình quân mỗi năm, 1 mô hình mang lại mức thu nhập 25 - 40 triệu đồng.
Thời gian qua, người dân Quế Minh hình thành khá nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng thâm canh, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh.
Ông Nguyễn Phước Tâm - Chủ tịch UBND xã cho hay, hiện nay tại địa phương có khoảng 30 hộ dân nuôi bò lai vỗ béo với số lượng từ 5 con trở lên, 25 hộ dân nuôi heo thịt với quy mô mỗi lứa từ 20 con trở lên, 3 trang trại nuôi gà thịt thương phẩm với số lượng từ 3 - 17 nghìn con/lứa. Ngoài ra, toàn xã có khoảng 100 hộ dân nuôi gà thịt với số lượng mỗi lứa từ 200 con trở lên...
Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã ước đạt 43,5 triệu đồng, tăng 30 triệu đồng so với năm 2011. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của Quế Minh còn 7,06%, trong đó số hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội chiếm 7,02% và 0,4% là những hộ trong diện thoát nghèo. Nếu so với cách đây 10 năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 24%.
Gập ghềnh đường về đích
Ông Nguyễn Phước Tâm nhìn nhận, với địa phương còn nhiều khó khăn như Quế Minh, việc hoàn thành toàn bộ 19 tiêu chí để đạt chuẩn xã NTM vào năm 2023 là chuyện không dễ. Bởi, xã đang nan giải bài toán giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và thiếu nguồn lực tài chính đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, nhất là kiên cố hóa hệ thống giao thông, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp.
Hiện nay, nghề sản xuất nón lá truyền thống của Quế Minh đang đứng trước nguy cơ bị mai một, trong khi đó trên địa bàn xã chỉ có 32 hộ hoạt động dịch vụ và sản xuất một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, không có một công ty, xí nghiệp nào. Với thực tế đó, việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tạo việc làm để nâng cao nguồn thu nhập cho người dân là hết sức khó khăn.
Đáng chú ý, hiện địa phương chưa xác định được sản phẩm chủ lực để đầu tư phát triển theo phương thức sản xuất hàng hóa tập trung và đạt chuẩn các hạng sao OCOP. Đặc biệt, tại Quế Minh chưa có mô hình liên kết sản xuất nông - lâm nghiệp theo chuỗi giá trị nên đầu ra các loại sản phẩm không ổn định và hiệu quả kinh tế mang lại không cao.
Ông Tâm cho biết, trên địa bàn xã Quế Minh có 5 tuyến đường ĐH đi qua với tổng chiều dài gần 11km, gồm ĐH08, ĐH11, ĐH19, ĐH22, ĐH28. Tuy nhiên, hiện nay tuyến ĐH08 và ĐH28 đã xuống cấp và khá chật hẹp, gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân.
Để mở rộng, nâng cấp, bê tông hóa 2 trục đường trọng yếu trên nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cần ít nhất 150 tỷ đồng. Bên cạnh đó, xã cũng cần 11 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư mở rộng và kiên cố hóa 11km đường trục thôn, ngõ xóm còn lại.
“Mặc dù cả 3 ngôi trường trên địa bàn xã đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 nhưng thực tế cho thấy hiện nay có 2 ngôi trường đã xuống cấp và chưa được tầng hóa là Tiểu học Quế Minh và THCS Quế Minh. Để đầu tư xây mới và nâng cấp 2 ngôi trường này, cần khoảng 15 tỷ đồng” - ông Tâm nói thêm.