Sơn Viên gặp khó nâng chuẩn nông thôn mới
Xã Sơn Viên của huyện Nông Sơn được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Tuy nhiên, việc duy trì và nâng chuẩn bộ 19 tiêu chí nông thôn mới ở địa phương đang gặp khó khăn.
Kết quả bước đầu
Hiện nay, Sơn Viên có 3 thôn gồm Trung Yên, Bình An, Phước Bình với tổng số 829 hộ dân, 3.119 nhân khẩu. Ông Đỗ Hồng Thành - cán bộ Ban Nông nghiệp & xây dựng nông thôn mới (NTM) của xã cho hay, hằng năm nông dân địa phương sản xuất 317ha lúa.
Thời gian qua, nhờ chính quyền cơ sở và ngành liên quan tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi, chuyển giao các gói kỹ thuật sản xuất tiên tiến, hỗ trợ nhà nông đưa nhiều loại giống lúa mới có chất lượng tốt vào gieo sạ đại trà nên năng suất liên tục tăng. “Dù thời tiết diễn biến phức tạp nhưng năm 2022 này năng suất lúa bình quân của Sơn Viên đạt 61 tạ/ ha, tăng 7 tạ/ha so với năm 2015” - ông Thành nói.
Ông Đỗ Tiến Trọng cho biết, giai đoạn 2011 - 2020 địa phương huy động gần 78,5 tỷ đồng xây dựng mô hình NTM. Nguồn kinh phí vừa nêu chủ yếu ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nhất là lĩnh vực nông - lâm nghiệp. Nhờ sự tiếp sức từ nhiều phía, đặc biệt là sự nỗ lực rất lớn của cán bộ và nhân dân địa phương trong việc triển khai thực hiện các phần việc, năm 2020 Sơn Viên được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 41 triệu đồng, tăng 31 triệu đồng so với năm 2015.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, hiện xã có 15 mô hình nuôi vịt và gà thương phẩm với số lượng mỗi lứa từ 200 con trở lên, 42 mô hình nuôi bò vỗ béo và sinh sản theo phương thức thâm canh với quy mô từ 5 - 40 con.
“Việc đầu tư phát triển mô hình nuôi bò thâm canh mang lại thu nhập khá cho người dân địa phương. Nhờ giá cả thị trường ổn định ở mức cao nên bình quân hằng năm 1 con bò cho lãi ròng khoảng 10 - 12 triệu đồng” - ông Thành chia sẻ.
Phát huy lợi thế đất rừng tương đối lớn, thời gian qua nông dân Sơn Viên huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển mạnh mô hình trồng rừng sản xuất.
Toàn xã hiện có hơn 810ha rừng keo nguyên liệu, mỗi năm người dân khai thác bán ra thị trường khoảng 170 - 200ha. Lĩnh vực kinh tế vườn - trang trại của xã cũng có nhiều khởi sắc. Hiện nay, Sơn Viên có 22 mô hình trồng các loại cây ăn quả, tre lấy măng kết hợp nuôi gia cầm và thủy sản nước ngọt cho thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/ mô hình/năm...
Khó khăn nâng chuẩn
Ông Đỗ Tiến Trọng - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Sơn Viên cho rằng, khi cán đích NTM, xã Sơn Viên có một số tiêu chí chỉ đạt chuẩn ở ngưỡng tối thiểu. Do vậy, việc duy trì và nâng chuẩn bộ 19 tiêu chí NTM là nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi cán bộ và nhân dân địa phương phải tập trung thực hiện.
Tuy nhiên, việc triển khai công tác này gặp nhiều khó khăn. Trong 2 năm qua, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh và huy động các kênh vốn khác, bình quân mỗi năm Sơn Viên chỉ đầu tư khoảng 700 - 800 triệu đồng cho việc xây mới, nâng cấp, sửa chữa kết cấu hạ tầng nông thôn và tiếp sức người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp để nâng chuẩn NTM. Trong khi đó, nhu cầu về nguồn vốn của xã khá lớn.
Ông Đỗ Tiến Trọng cho biết, vấn đề đáng quan tâm nhất đối với Sơn Viên hiện nay là hệ thống giao thông. Trước đây, hầu hết trục đường liên thôn, ngõ xóm của xã đều xây dựng với cốt nền thấp, bề ngang rất hẹp (chỉ 2 - 2,5m) và đến nay phần lớn đã xuống cấp nghiêm trọng.
“Hiện giờ, nhu cầu của địa phương là cần hơn 6 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng, bê tông hóa 19 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài gần 6,5km. Vì vậy, rất mong các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ để địa phương có điều kiện thực hiện” – ông Trọng nói.
Một trong những vấn đề nan giải hiện nay của Sơn Viên là nâng cao nguồn thu nhập cho người dân, là nhiệm vụ trọng tâm trong nâng chuẩn NTM. Ông Trọng cho hay, do ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 và thiên tai gây thiệt hại nặng nề nên 2 năm qua thu nhập bình quân đầu người của xã không tăng hoặc tăng không đáng kể so với năm 2020 - thời điểm xã được công nhận đạt chuẩn NTM.
“Không kể cơ sở hạ tầng bị hư hỏng và sạt lở, cơn bão số 9 xảy ra gần cuối năm 2020 khiến hầu như toàn bộ 810ha rừng nguyên liệu của người dân bị gãy đổ, hư hại hoàn toàn. Tiếp đến, cơn bão số 4 diễn ra cuối tháng 9 vừa qua cũng làm 300ha keo lai bị thiệt hại từ 30 - 70%. Ở Sơn Viên, hiện có hơn 60% hộ dân tham gia mô hình trồng rừng sản xuất và xem đây là hướng chủ lực trong phát triển kinh tế hộ. Rừng nguyên liệu thiệt hại lớn là đồng nghĩa với việc thu nhập của người dân bị mất, từ đó dẫn đến cuộc sống khó khăn” - ông Trọng nói.