Người bị bỏ rơi từ nhỏ, căn cước ghi quê quán ra sao?

TRUNG VIỆT 14/06/2023 06:54

Đó là một câu hỏi chắc chắn sẽ làm đau đầu nhiều người. Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu đang thảo luận chuyện ghi quê quán, là sao không ghi quê mẹ mà ghi quê cha, rồi sao không ghi quê cả cha lẫn mẹ, rồi nơi sinh lẫn nơi làm giấy khai sinh?

 Nhưng, như đã nói trên, người bị bỏ rơi từ nhỏ thì ghi quê ở đâu?

Cứ đọc các bản tin trên báo hàng ngày, không hề vắng bóng dòng tin, rằng một trẻ sơ sinh bị bỏ trước cổng chùa, bệnh viện, bãi rác, nhà ga… Nếu người mẹ (chắc hẳn là thế) còn quá đau đớn thì ghi thêm dòng chữ vào mảnh giấy, rằng mong hãy chăm sóc giúp con tôi. Đại khái như vậy. Tức là ở đây, không ai biết cha mẹ của cháu bé là ai, quê quán nơi nào.

Con số thống kê từ cơ quan chức năng, trong 2 năm 2016 - 2018 số trẻ bị bỏ rơi lên tới 469.869 trẻ. Con số này không dừng lại mà tăng theo hàng năm.

Chuyện bị bỏ rơi, xót xa phận đời, bơ vơ không mẹ cha, không biết quê quán, trôi dạt, đã đi vào đời sống văn nghệ lẫn đời thường với bao thương khó. Dù gì, họ cũng có quyền. Khi làm căn cước, thế nào họ cũng phải trình khai sinh. Không biết ở đâu, không giấy lận lưng, thì họ làm sao đây? Không có căn cước, đồng nghĩa mọi ngã đường quyền công dân đến giao dịch, sinh hoạt, nhà cửa, tắc đứng.

Đại biểu nào trên diễn đàn, nêu giúp điều này lên cho họ, để có giải pháp tốt, đến lúc họ tới công quyền để làm, khỏi ngửa mặt than trời.

TRUNG VIỆT