Thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và các quốc gia vùng Vịnh

NAM VIỆT 20/10/2023 18:27

(QNO) - Ngày 20/10, Hội nghị cấp cao giữa Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) diễn ra tại thủ đô Riyadh của Ả-rập Xê-út. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (thứ ba từ trái sang, hàng thứ hai) và các trưởng đoàn chụp ảnh chung tại lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC lần thứ nhất ở Riyadh, Ả Rập Saudi, ngày 20/10. (Ảnh: VNA)
Lãnh đạo các nước chụp ảnh chung tại lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC lần thứ nhất ở Ả-rập Xê-út ngày 20/10. Ảnh: BERNAMA

Đây là hội nghị cấp cao đầu tiên giữa ASEAN (gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Brunei, Campuchia, Lào, Myanmar và Philippines) và GCC (gồm 6 quốc gia vùng Vịnh: Ả-rập Xê út, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, Qatar, Bahrain, Kuwait và Oman) kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ năm 1990. 

Do đó, hội nghị là một sự kiện quan trọng, đánh dấu một bước quan trọng trong việc làm sâu sắc và tăng cường mối quan hệ giữa các nước thành viên ASEAN và GCC.

Những năm gần đây, mối quan hệ ASEAN - GCC chứng kiến sự phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong hợp tác kinh tế, thương mại. Cuộc họp lần này cũng tăng cường và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới và mới nổi như nền kinh tế xanh và nền kinh tế số.

Với dân số khoảng 60 triệu người, khối GCC có nền kinh tế rất phát triển, với GDP đạt khoảng 2.000 tỷ USD vào năm 2022. 

Theo trang Saudigazette.com.sa, khối lượng thương mại giữa ASEAN và GCC đạt 93,9 tỷ USD vào năm 2019. Sự hội tụ giữa ASEAN và GCC nằm ở chỗ đều là những khu vực địa lý có ảnh hưởng.

GCC có tầm quan trọng chiến lược và kinh tế lớn về mặt hành lang thương mại quốc tế. Cạnh đó, GCC chiếm 33% tổng trữ lượng dầu mỏ toàn cầu trong khi 5 quốc gia thuộc GCC xuất khẩu khoảng 18% nhu cầu dầu của thế giới.

Đối với ASEAN, dân số khu vực khoảng 700 triệu người, tương đương 8,8% dân số thế giới, nhưng thị trường thương mại của ASEAN mở rộng tới 2,3 tỷ người, tương đương khoảng 1/3 hoạt động kinh tế toàn cầu, đặc biệt là sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa ASEAN và các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tổng sản lượng kinh tế của các thành viên ASEAN đạt 3.000 tỷ USD vào năm 2020, trở thành nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Á và lớn thứ năm trên thế giới. ASEAN có thể được xếp vào nhóm phát triển kinh tế nhanh nhất ở cấp độ toàn cầu và khu vực.

Nền kinh tế ASEAN dự kiến tăng trưởng 4,7% vào năm 2023 và 5% vào năm 2024, nhờ tiêu thụ nội địa, xuất khẩu ròng và sự phục hồi nhanh hơn trong lĩnh vực dịch vụ.

Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC
Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC. Ảnh: Arabnews

Tạp chí The Economist chỉ ra rằng khối lượng đầu tư của các nước GCC vào thị trường ASEAN khoảng 13,4 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 1/2016 đến tháng 9/2021. Các nước GCC đang chạy đua với thời gian để đầu tư vào các thành viên ASEAN, đặc biệt dự án nhà máy lọc dầu, nông nghiệp, y tế, du lịch...

Theo một báo cáo kinh tế năm 2021, điện tử chiếm 28% tổng nhập khẩu của GCC từ ASEAN, tiếp theo là máy móc ở mức 12%.

Cạnh đó, tất cả quốc gia thành viên GCC ký Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC).

Ngoại trưởng Ả-rập Xê-út - Hoàng tử Faisal bin Farhan nhấn mạnh: "Mối quan hệ bền chặt giữa các nước thành viên hiệp ước sẽ góp phần hiện thực hóa nguyện vọng của tất cả bên tham gia ký kết để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững, tạo ra cơ hội phát triển mới cho các bên tham gia".

NAM VIỆT