Ngày Lương thực thế giới (16/10): Gìn giữ tài nguyên nước

QUỐC HƯNG 16/10/2023 15:55

(QNO) - Dù tài nguyên nước đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra lương thực cho con người, song nhiều nơi trên thế giới đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn nước, ảnh hưởng đến an ninh lương thực. 

 
70% nguồn nước ngọt trên thế giới được dùng trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Hindu 

Liên hiệp quốc cho biết, nước là động lực cho con người, nền kinh tế, thiên nhiên và là nền tảng thực phẩm của nhân loại.

Một mặt, nước cần thiết cho việc sản xuất lương thực, mặt khác, những gì chúng ta tiêu thụ và cách thức sản xuất thực phẩm đó đều ảnh hưởng đến nước. Tài nguyên nước là chìa khóa cho an ninh lương thực vì cây trồng và vật nuôi cần nước để phát triển.

Thế nhưng, hàng thập kỷ quản lý nước kém, sử dụng sai mục đích, ô nhiễm, biến đổi khí hậu làm suy thoái nguồn cung cấp nước ngọt và hệ sinh thái trên toàn cầu. 

Báo cáo của Liên hiệp quốc dẫn chứng, dân số toàn cầu phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước dự đoán tăng từ 933 triệu người vào năm 2016 lên 1,7 - 2,4 tỷ người vào năm 2050. 

Trên toàn cầu, gần 2,4 tỷ người sống ở những quốc gia có nguồn cung cấp nước hạn chế.

Nhu cầu nước cho nông nghiệp toàn cầu dự kiến tăng 35% cho đến năm 2050. Tuy vậy, tài nguyên nước ngọt trên mỗi người trên toàn cầu giảm 20% trong những thập kỷ qua. 

Trang tin Euronews thống kê, khoảng 3,6 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận đầy đủ với nước, trong đó Trung Đông và châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng khan hiếm nước.

30% dân số châu Âu bị ảnh hưởng bởi nguồn cung cấp nước căng thẳng trong những năm gần đây.

Ví như, Tây Ban Nha là một trong những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ nguồn nước. Sau ba năm có lượng mưa thấp và nhiệt độ cao, hạn hán kéo dài từ đầu năm nay gây thiệt hại hoa màu, thậm chí khiến nhiều nông dân phải ngừng sản xuất một số loại cây trồng vì không đủ nguồn nước tưới tiêu.  

[VIDEO] - Nhiều quốc gia tại châu Âu thiếu hụt nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp (nguồn Euronews):

Chính vì vậy, ngày Lương thực thế giới (16/10) năm nay, Liên hiệp quốc tập trung vào chủ đề "Nước là sự sống, Nước là thực phẩm. Không để lại ai bị bỏ lại phía sau" nhằm nâng cao nhận thức về mối quan hệ giữa nước và sản xuất lương thực, đồng thời thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu thụ lương thực bền vững hơn.

Liên hiệp quốc cho biết, trong bối cảnh tốc độ tăng dân số nhanh chóng, phát triển kinh tế, đô thị hóa và biến đổi khí hậu đang đe dọa nguồn nước sẵn có, hơn nữa còn dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng trong khi nguồn nước sạch không phải là nguồn tài nguyên vô tận. Vì vậy, việc thế giới chung tay gìn giữ tài nguyên nước là nhiệm vụ cấp thiết. 

Theo Liên hiệp quốc, trung bình một ngày mỗi người cần uống từ 2 - 4 lít nước. Nhưng để làm ra số lương thực cần dùng cho mỗi con người trong mỗi ngày phải mất từ 2.000 - 5.000 lít nước. Vì vậy, gìn giữ tài nguyên nước chính là chìa khóa để các quốc gia trên thế giới đạt các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

QUỐC HƯNG