Gia tăng tình trạng khói bụi tại Đông Nam Á
(QNO) - Biến đổi khí hậu khiến hiện tượng khói bụi trở nên nghiêm trọng hơn ở các nước Đông Nam Á như Indonesia và Malaysia; ngược lại khói bụi là một yếu tố góp phần thúc đẩy biến đổi khí hậu.
Du khách đến Đông Nam Á có thể bất ngờ trước chất lượng không khí trở nên kém trong thời gian gần đây tại khu vực. Gia tăng tình trạng khói bụi gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Mới đây, ở đảo Borneo (Indonesia), khói bụi nghiêm trọng khiến tầm nhìn giảm xuống dưới 10 mét. Các trường học tại Indonesia và Malaysia buộc phải đóng cửa để giảm thiểu tác động đối với sức khỏe của trẻ em.
Những năm gần đây, khu vực Đông Nam Á phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm không khí. Trong đó, thời tiết khô hạn kết hợp với gió mạnh làm khói bụi lan khắp khu vực. Các nhà khí tượng học dự báo sự phát triển hơn của điều kiện El Nino trong năm nay, tình trạng khô cằn có thể báo hiệu một mùa sương bụi kéo dài.
Cạnh đó, với nguy cơ cháy rừng ở vùng ngập mặn và thời tiết nắng nóng khiến việc dập tắt đám cháy cũng trở nên khó khăn hơn. Điều đó làm gia tăng thêm tình trạng ô nhiễm khói bụi.
Đông Nam Á có khoảng 24 triệu héc ta đất than bùn, chiếm 40% tổng diện tích đất than bùn của thế giới. Theo UNEP (Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc), đất than bùn chỉ chiếm 3% tổng diện tích bề mặt trái đất nhưng chứa gần 550 tỷ tấn các-bon.
Điều kiện ngập nước của đất than bùn giữ cho vật liệu hữu cơ không bị phân hủy, biến nó thành một nguồn các-bon mạnh mẽ. Khi nước thoát ra ngoài, chất hữu cơ sẽ tiếp xúc với không khí, khởi đầu quá trình phân hủy và thải ra khí nhà kính. Khi bị đốt cháy, quá trình này làm gia tăng tốc độ nóng lên toàn cầu.
Theo tờ CNA, lượng các-bon được giữ lại ở trong đất than bùn sẽ giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu và khói bụi.
Cùng với đó là sự mất mát đa dạng sinh học nghiêm trọng, không chỉ ở Indonesia mà diễn ra ở các quốc gia khác trong khu vực. Như WWF - Malaysia nhấn mạnh, tác động của khói bụi kéo dài gây suy giảm các tổ ong, điều này đồng thời gây ảnh hưởng đến cây cối và quá trình thụ phấn của hoa quả.
Trước tình trạng ô nhiễm khói bụi tồi tệ hiện nay, sự hợp tác giữa các chính phủ tại Đông Nam Á với sự tham gia của nhiều bên liên quan, cộng đồng địa phương, các tập đoàn và xã hội dân sự là cấp thiết để giải quyết tình trạng trên. Chính phủ Singapore từng ban hành một đạo luật về ô nhiễm khói bụi xuyên biên giới vào năm 2015.