Giải Nobel - những câu chuyện truyền cảm hứng

QUỐC HƯNG 07/10/2023 07:53

Tuần đầu tiên của mỗi tháng 10, Ủy ban Nobel tôn vinh những đóng góp nổi bật trong y học, vật lý, hóa học, văn học, kinh tế và hòa bình. Các chủ nhân giải Nobel đều truyền đi cảm hứng trong nghiên cứu và cuộc sống.

Chủ nhân giải Nobel Y học 2023 - Giáo sư Katalin Karikó (trái) và Drew Weissman xuất hiện trên màn hình trong lễ công bố của Ủy ban Nobel. Ảnh: AFP
Chủ nhân giải Nobel Y học 2023 - Giáo sư Katalin Karikó (trái) và Drew Weissman xuất hiện trên màn hình trong lễ công bố của Ủy ban Nobel. Ảnh: AFP

Khi được hỏi về những thay đổi trong cuộc sống sau khi trở thành một trong những người vinh dự nhận giải thưởng Nobel, Giáo sư Oliver Hart - một trong hai chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2016 với công trình nghiên cứu về “lý thuyết hợp đồng”, mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội cho hay: “Chắc chắn có, như gây nhiều sự chú ý hơn. Giải Nobel là một cái tên kỳ diệu. Nhưng tôi vẫn tập trung cho nghiên cứu”.

Nói về việc đoạt giải, Giáo sư Oliver Hart cho rằng, đó là làm việc chăm chỉ, tạo ra sản phẩm tốt. Nhưng cũng có may mắn đi kèm vì có rất nhiều người xứng đáng nhưng Nobel không gọi tên. Giáo sư Oliver Hart không nghĩ mục tiêu của bất kỳ ai là giành được giải Nobel.

“Đó chắc chắn không phải là mục tiêu của tôi khi bắt đầu công việc. Tôi nghĩ điều duy nhất bạn thực sự có thể làm là thực hiện nghiên cứu mà bạn quan tâm và xem kết quả mang lại thế nào” - Giáo sư Oliver Hart trả lời. Ông cũng cho biết từng muốn thành lập một tổ chức từ thiện tập trung vào giáo dục trẻ em và chăm sóc sức khỏe cho người nghèo. “Số tiền tôi nhận được từ giải Nobel đã cho tôi cơ hội đó…” - Giáo sư Oliver Hart nói.

Malala Yousafzai (sinh năm 1997) - nhà hoạt động giáo dục người Pakistan nhận giải Nobel Hòa bình vào năm 2014, trở thành người trẻ nhất thế giới đoạt giải Nobel cho đến nay. “Tôi kể câu chuyện của mình không phải vì nó duy nhất mà vì đó là câu chuyện của nhiều cô gái”. Malala yêu trường học. Nhưng mọi thứ thay đổi khi Taliban nắm quyền kiểm soát thị trấn ở thung lũng Swat và nói rằng phụ nữ không thể đến trường. Năm 2008, Malala nói lời tạm biệt với các bạn cùng lớp và không biết khi nào gặp lại họ.

Malala được đưa đến chăm sóc tại nước Anh sau khi bị tay súng bắn vào đầu vì dám lên tiếng, “Đó là lúc tôi biết mình có sự lựa chọn: Tôi có thể sống một cuộc sống bình lặng hoặc tôi có thể tận dụng tối đa cuộc sống mới mà tôi được ban tặng. Nhưng tôi quyết tâm tiếp tục đấu tranh để mang cơ hội đến trường cho nhiều trẻ em gái” - Malala nói.

Năm 2013, Malala thành lập Quỹ từ thiện giáo dục mang tên cô, thu hút nhiều chú ý và đóng góp của các nhà hảo tâm. Từ đó, cô đến nhiều nơi trên thế giới, vận động trẻ em gái đấu tranh để nhận được 12 năm giáo dục miễn phí, an toàn và chất lượng, chống nạn tảo hôn... Năm 2015, Malala mở một trường học ở Lebanon cung cấp giáo dục cấp tiểu học và trung học cho các bé gái tị nạn ở Syria.

Năm nay, giải Nobel Y học 2023 vinh danh nữ giáo sư người Hungary Katalin Karikó (sinh năm 1955) và đồng nghiệp Drew Weissman tại Đại học Pennsylvania (Mỹ). Bà Katalin Karikó là người mở đường cho vắc xin mRNA, góp phần giúp thế giới ngăn chặn đại dịch COVID-19 hoành hành.

Ông Rickard Sandberg - thành viên của Ủy ban giải Nobel về Y học cho biết: “Đến nay, vắc xin mRNA cùng với các loại vắc xin COVID-19 khác tiêm hơn 13 tỷ liều. Họ đã cùng nhau cứu sống hàng triệu người, ngăn chặn COVID-19 nghiêm trọng, giảm gánh nặng bệnh tật nói chung và giúp xã hội mở cửa trở lại”. Công nghệ mang tính cách mạng mRNA mở ra triển vọng phát triển vắc xin chống lại các bệnh khác như sốt rét, HIV...

Nhớ lại những lần thất bại trên hành trình dẫn tới vắc xin mRNA, bà Katalin Karikó nói: “10 năm trước tôi bị buộc phải nghỉ hưu vì mọi người không tin rằng mRNA có thể là một liệu pháp. Nhưng các bạn hãy tập trung vào những điều bạn có thể thay đổi”...

QUỐC HƯNG