EU triển khai cơ chế áp thuế các-bon

QUỐC HƯNG 02/10/2023 15:04

(QNO) - Hôm qua (1/10), Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) giai đoạn 1 của Liên minh châu Âu (EU) còn gọi là giai đoạn chuyển tiếp chính thức có hiệu lực.

CBAM là nỗ lực của EU trong chiến lược cắt giảm khí thải CO2. Ảnh: EPA
CBAM là nỗ lực của EU trong chiến lược cắt giảm khí thải CO2. Ảnh: EPA

CBAM là hệ thống đầu tiên trên thế giới áp đặt thuế phát thải các-bon đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu khi EU cố gắng ngăn chặn các sản phẩm nước ngoài làm suy yếu quá trình chuyển đổi xanh của khối.

EU sẽ không bắt đầu thu bất kỳ khoản phí phát thải các-bon nào tại biên giới trong giai đoạn 1, cụ thể cho đến năm 2026.

Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu vào EU sẽ phải báo cáo lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất các mặt hàng theo quy định, trước mắt bao gồm sắt thép, nhôm, xi măng, điện, phân bón và hydro. 

EU cho biết, đây là những ngành, lĩnh vực có nguy cơ rò rỉ và có lượng khí thải các-bon cao, chiếm 94% lượng khí thải công nghiệp của khối. Như vậy, những sản phẩm trên sẽ phải chịu thuế khi xuất khẩu sang EU sau khi giai đoạn 1 hay giai đoạn thử nghiệm của cơ chế CBAM kết thúc. 

Theo Reuters, từ năm 2026, các nhà nhập khẩu vào thị trường EU sẽ cần mua giấy chứng nhận để bù đắp lượng khí thải các-bon nhằm đưa các nhà sản xuất nước ngoài ngang hàng với các ngành công nghiệp của EU vốn phải mua giấy phép từ thị trường các-bon của khối khi gây ô nhiễm.

Ủy viên phụ trách Các vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni khẳng định, mục đích của CBAM là khuyến khích sự chuyển đổi trên toàn thế giới sang sản xuất xanh hơn, nắm bắt công nghệ xanh và ngăn chặn các nhà sản xuất châu Âu chuyển sang các nước có tiêu chuẩn môi trường thấp hơn hay ít nghiêm ngặt hơn.

Nhưng CBAM cũng ngăn chặn các nhà sản xuất châu Âu thua thiệt trước các đối thủ nước ngoài trong khi phải đầu tư vào công nghệ đáp ứng tiêu chuẩn của EU để cắt giảm 55% lượng khí thải ròng của khối vào năm 2030 so với mức của năm 1990.

 
Ông Paolo Gentiloni - Ủy viên phụ trách Các vấn đề kinh tế của EU. Ảnh: Gettyimages

CBAM hiện phải đối mặt với sự chỉ trích từ các đối tác thương mại lớn của EU khi cho rằng cơ chế này làm suy yếu thương mại tự do.

Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu cho biết CBAM phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) khi đối xử như nhau với các công ty trong và ngoài nước và cho phép khấu trừ phí biên giới đối với bất kỳ giá các-bon nào đã được trả ở nước ngoài.

Ông Paolo Gentiloni nói: "CBAM không phải để bảo vệ thương mại mà để bảo vệ tham vọng về khí hậu của EU". 

Tháng 6 vừa qua, EU thông qua đạo luật cấm nhập khẩu vào EU các sản phẩm có liên quan hoạt động phá rừng, một bước đi mạnh mẽ hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh của khối. 

CBAM được EU thông qua vào năm 2022 nhằm đánh thuế các-bon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu vào thị trường EU, dựa trên mức độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại quốc gia xuất xứ hàng hóa. Cơ chế này là một yếu tố trụ cột trong chính sách của EU về khí hậu, khuyến khích các đối tác thương mại khử các-bon trong lĩnh vực sản xuất.

QUỐC HƯNG