Australia đặt cảm biến bảo vệ rạn san hô
(QNO) - Các cảm biến đo mức độ trầm tích và vật liệu các-bon chảy từ sông Fitzroy vào vịnh Keppel ở bang Queensland (Australia). Khu vực này nằm ở phần phía nam của rạn san hô Great Barrier.
Rạn san hô Great Barrier có diện tích khoảng 344.000km2 ngoài khơi bờ biển phía đông bắc Australia.
Trầm tích và vật liệu các-bon có thể gây hại cho sinh vật biển như san hô. Do đó, việc sử dụng các cảm biến và dữ liệu vệ tinh để đo lường sự thay đổi về chất lượng nước tại khu vực.
Chương trình do Chính phủ Australia và Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp của Khối thịnh vượng chung (CSIRO) phối hợp thực hiện.
Các chuyên gia cho biết chất lượng đường thủy nội địa và ven biển của Australia đang bị đe dọa bởi nhiệt độ ấm lên, đô thị hóa, nạn phá rừng và ô nhiễm.
Việc ghi lại chất lượng nước tại các khu vực rạn san hô sẽ giúp tìm các giải pháp ngăn chặn hoặc giảm dòng chảy của trầm tích sông ra biển, giảm tác động của trầm tích đối với đời sống sinh vật biển.
Các nhà môi trường cảnh báo hệ thống rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier đang đối mặt với một số mối đe dọa gồm biến đổi khí hậu, ô nhiễm và dòng chảy của các sản phẩm nông nghiệp. Rạn san hô Great Barrier trải dài khoảng 2.300km nằm trong Danh sách di sản thế giới của Liên hợp quốc từ năm 1981.