Gần 70 nước ký hiệp định lịch sử về bảo vệ biển cả
(QNO) - Ngày 20/9/2023, tại New York (Mỹ), gần 70 quốc gia trong đó có Việt Nam ký kết Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia, hay còn gọi Hiệp định về biển cả.
Tháng 6 vừa qua, sau 15 năm thảo luận, 193 quốc gia thành viên của Liên hiệp quốc chính thức thông qua thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm bảo vệ đa dạng sinh học biển.
Việc gần 70 quốc gia đặt bút ký kết một hiệp định đầu tiên về bảo vệ biển cả làm dấy lên hy vọng hiệp định này sẽ sớm có hiệu lực để bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng đối với hành tinh vốn đang bị đe dọa.
Tại buổi lễ ký kết, nữ diễn viên người Mỹ Sigourney Weaver nói: "Thật là một khoảnh khắc tuyệt vời khi được ở đây và chứng kiến sự hợp tác đa phương và rất nhiều hy vọng".
Theo Liên hiệp quốc, 67 quốc gia ký hiệp định trong ngày đầu tiên bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Úc, Anh, Pháp, Đức và Mexico, cũng như toàn bộ Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, mỗi quốc gia vẫn phải phê chuẩn hiệp định theo quy trình nội bộ của mỗi nước. Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 120 ngày kể từ khi được 60 quốc gia phê chuẩn.
Phó Thủ tướng Bỉ Vincent van Quickenborne cho biết: "Rõ ràng là đại dương đang cần được bảo vệ khẩn cấp".
Biển cả được định nghĩa là khu vực đại dương bắt đầu ngoài vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia hoặc cách bờ biển 200 hải lý (370km) và bao phủ gần một nửa hành tinh. Tuy nhiên, từ lâu biển cả bị bỏ quên trong các cuộc thảo luận, hội nghị về môi trường.
Một công cụ quan trọng trong hiệp định sẽ là khả năng tạo ra các khu vực biển được bảo vệ trong vùng biển quốc tế và chỉ khoảng 1% trong số đó hiện được bảo về bằng các biện pháp bảo tồn, phần còn lại đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, ô nhiễm và tình trạng đánh bắt quá mức.
Hiệp định được xem rất quan trọng đối với thỏa thuận bảo vệ 30% đại dương và đất liền trên thế giới vào năm 2030 được các chính phủ đồng ý trong một hiệp định lịch sử riêng biệt về đa dạng sinh học đạt được ở Montreal (Canada) vào tháng 12 năm ngoái.
Đại dương rất quan trọng đối với sức khỏe của toàn hành tinh, bảo vệ đa dạng sinh học, hỗ trợ một nửa lượng ô xy mà sinh vật trên cạn hít thở. Các đại dương cũng rất quan trọng trong việc hạn chế biến đổi khí hậu bằng cách giúp hấp thụ khí thải nhà kính.
Hiệp định trên quy định nhiều khu bảo tồn biển hơn và bắt buộc các chủ thể có dự án hoạt động trên biển khơi, dù là đánh bắt hải sản, vận tải hàng hải, khai thác dưới đáy đại dương, trước hết phải thực hiện các nghiên cứu về tác động môi trường.
Theo VGP News, sáng ngày 20/9 (giờ New York), trong khuôn khổ hoạt động của Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 78, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ký Hiệp định về biển cả, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về việc Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chung tay cùng các quốc gia trên thế giới giải quyết các vấn đề toàn cầu, đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.