EU "dọn rác" trên mạng xã hội

QUỐC HƯNG 23/08/2023 16:36

(QNO) - Ngày 25/8/2023, Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực.

 
EU áp dụng các quy định nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an ninh mạng. Ảnh: AFP

Trong sạch hóa mạng xã hội

DSA được xem là một phần trong "kho vũ khí" pháp lý của EU buộc các gã khổng lồ công nghệ phải giám sát chặt hơn nội dung kỹ thuật số và bảo vệ người dùng trực tuyến khỏi thông tin sai lệch, kích động bạo lực và thù hận. DSA cũng ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền tại khu vực và bảo vệ người dùng trẻ em.

Theo đó, công ty công nghệ có hơn 45 triệu người dùng hằng tháng tại EU được xem là các nền tảng trực tuyến rất lớn, phải tuân thủ các quy tắc của DSA, chịu trách nhiệm gỡ bỏ nội dung sai quy định và gửi đánh giá rủi ro cho cơ quan điều hành của EU nêu chi tiết cách xử lý nội dung độc hại.

Nói cách khác, DSA yêu cầu công ty công nghệ phải quản lý rủi ro, để bên thứ ba độc lập tiến hành kiểm toán, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan chức năng và nhà nghiên cứu.

Theo các nhà phân tích, DSA vì vậy sẽ thay đổi cuộc sống trực tuyến tại EU, thậm chí có thể gây ra một làn sóng thay đổi bên ngoài khối.

Giáo sư luật công nghệ Suzanne Vergnolle tại Paris (Pháp) cho biết: "DSA là một phần trong chiến lược lớn hơn thúc đẩy trao nhiều quyền hơn cho các cá nhân, cơ quan quản lý và xã hội dân sự".

Tháng 4 vừa qua, EU nêu tên 19 nền tảng trực tuyến phải tuân thủ DSA bao gồm Google Maps, Google Play, Google Search, Google Shopping và YouTube thuộc Alphabet, Facebook và Instagram thuộc Meta, Marketplace của Amazon và App Store của Apple, Linkedin và Bing của Microsoft, booking.com, Pinterest, Snapchat của Snap Inc, TikTok của Bytedance, Twitter, Wikipedia, Zalando và AliExpress của Alibaba.

Các quan chức EU cho biết nhiều công ty có thể được thêm vào danh sách.

Mức phạt của DSA

Nếu không tuân thủ quy định của DSA, công ty công nghệ lớn phải đối mặt khoản tiền phạt lên tới 6% doanh thu hằng năm của công ty trên toàn cầu. Nếu tái diễn vi phạm nhiều lần, dịch vụ có thể bị cấm tại thị trường rộng lớn EU với 450 triệu dân. 

 
Nền tảng Meta vừa bị phạt kỷ lục 1,2 tỷ euro vì chuyển dữ liệu người dùng ở châu Âu về máy chủ tại Mỹ. Ảnh: AP

Vào tháng 11 năm ngoái, Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) của EU chính thức có hiệu lực, chấm dứt các hành vi cạnh tranh không công bằng hay sự thống trị của các công ty công nghệ lớn, mang đến cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn hơn. Các đại gia công nghệ phải thực thi DMA bao gồm Google, Amazon, Apple, Meta và Microsoft.

Công ty vi phạm DMA có nguy cơ bị phạt tới 10% doanh thu toàn cầu hằng năm.

DSA và DMA không phải là bước đột phá đầu tiên của EU trong việc điều chỉnh hoạt động của các công ty công nghệ.

Năm 2018, Luật Bảo mật dữ liệu chung (GDPR) của EU có hiệu lực, thay đổi hoàn toàn cách công ty công nghệ xử lý dữ liệu của người dùng. 

DSA có thể bị giới hạn ở khối EU nhưng Giáo sư Suzanne Vergnolle tin rằng tác động của DSA có thể được cảm nhận bên ngoài khối.

QUỐC HƯNG