Jakarta đối phó ô nhiễm không khí tồi tệ

NAM VIỆT 17/08/2023 15:28

(QNO) - Jakarta vừa trở thành thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới, theo bảng xếp hạng của Công ty giám sát chất lượng không khí IQAir có trụ sở tại Thụy Sĩ.

Ảnh chụp Jakarta vào ngày 16/8 vừa qua. Ảnh: AFP
Ảnh chụp Jakarta vào ngày 16/8 vừa qua. Ảnh: AFP

Rủi ro sức khỏe

Với nhiều cư dân ở Jakarta, họ vẫn cảm thấy như đang chiến đấu với đại dịch COVID-19 khi rời khỏi nhà với khẩu trang N95. 

"Nếu tôi không đeo khẩu trang, tôi có thể bị bệnh từ không khí. Bây giờ tôi không thể rời khỏi nhà mà không có nó, vì ngay cả khi tình trạng ô nhiễm tồi tệ, chúng tôi vẫn phải làm việc" - anh Kajen - một tài xế ngoài 20 tuổi cũng như nhiều người tại Jakarta cho biết.

Farah Nurfirman - một bệnh nhân nói: "Bệnh hen suyễn của tôi nặng và cũng có tính di truyền. Bác sĩ bảo tôi tạm rời khỏi Jakarta lúc này nếu muốn bệnh được cải thiện. Nhưng đây là nơi tôi sống. Ngoài việc đeo khẩu trang, tôi không thể làm được gì nhiều". 

Jakarta - thành phố hơn 10 triệu dân liên tục nằm trong bảng xếp hạng 10 thành phố ô nhiễm nhất kể từ tháng 5/2023 và chính thức đứng đầu bảng xếp hạng trong tuần qua, theo IQAir. 

 
Đeo khẩu trang để ngăn bụi khói trên đường phố Jakarta. Ảnh: JP 

Nguyên nhân ô nhiễm

Trong cuộc họp khẩn cấp với một số bộ trưởng và lãnh đạo khu vực vào đầu tuần này, Tổng thống Indonesia Joko Widodo thừa nhận không khí ở Jakarta "không trong lành"; đồng thời lưu ý chất lượng không khí kém là do mùa khô kéo dài, làm trầm trọng thêm tác động của khí thải từ phương tiện giao thông và sản xuất công nghiệp.

Jakarta từ lâu được biết đến là một trong những nơi có điều kiện giao thông tồi tệ nhất trên thế giới. Số lượng phương tiện ngày càng tăng, cơ sở hạ tầng công cộng không đảm bảo... dẫn đến ùn tắc kéo dài. 

Theo số liệu thống kê mới nhất, số lượng phương tiện trong thành phố Jakarta tăng từ 18,7 triệu vào năm 2018 lên hơn 21,7 triệu vào năm 2021.

Nghiên cứu của Chính phủ Indonesia cho thấy khí thải xe cộ chiếm 44% ô nhiễm không khí tại nước này. 

Nhưng nhiều nhà hoạt động môi trường tại Indonesia tin rằng các nhà máy và nhà máy nhiệt điện than là nguyên nhân chính gây ra sương mù độc hại ở Jakarta.

Dù Indonesia có tham vọng cắt giảm lượng khí thải CO2 như loại bỏ dần than sản xuất điện vào năm 2056, Indonesia hiện là nước xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới, khoảng 400 triệu tấn trong năm 2020.  

Nỗ lực khắc phục

Ông Heru Budi Hartono - Quyền Thống đốc Jakarta cho biết thành phố sẽ áp dụng hình thức làm việc kết hợp từ văn phòng và tại nhà bắt đầu từ tháng 9 tới. 

Theo đó, công chức làm việc trong bộ phận dịch vụ sẽ làm việc tại văn phòng. Công chức không liên quan đến dịch vụ như bộ phận lập kế hoạch và những bộ phận khác có thể làm việc tại nhà.

Ngoài ra, Jakarta buộc các tài xế phải trải qua bài kiểm tra khí thải ngẫu nhiên, xem xét phạt tiền đối với người không tuân thủ và thu hồi giấy phép đối với người vi phạm nhiều lần.

Bên cạnh tiếp tục theo dõi khu vực công nghiệp và các nhà máy điện than, thành phố yêu cầu ô tô có dung tích động cơ từ 2.400cc trở lên sử dụng nhiên liệu có chỉ số octan 98 và mỗi phương tiện phải chở 4 người.

Ông Heru Budi Hartono cho hay, Jakarta có kế hoạch mở 23 công viên với tổng diện tích 6,7ha nhưng thừa nhận việc cải thiện chất lượng không khí ở Jakarta là nỗ lực lâu dài.

Trong ngắn hạn, Tổng thống Joko Widodo yêu cầu các bộ ngành liên quan can thiệp để cải thiện chất lượng không khí như tạo mưa nhân tạo...

[VIDEO] - Ô nhiễm không khí tồi tệ tại Jakarta (nguồn YouTube):

NAM VIỆT