Hỏi - đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
(QNO) - Hỏi: Tôi có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tại doanh nghiệp nước ngoài. Khi đến tuổi nghỉ hưu, tôi sẽ được lĩnh lương hưu trong bao nhiêu năm?
Trả lời: Theo quy định pháp luật hiện hành, người lao động làm việc trong điều kiện bình thường khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và đủ điều kiện về tuổi đời (tuổi nghỉ hưu kể từ ngày 1/1/2021 là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035) thì được hưởng chế độ hưu trí.
Chế độ hưu trí là chế độ quan trọng nhất của hệ thống các chế độ BHXH, lương hưu là quyền lợi hợp pháp của người lao động sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ lao động và đóng BHXH, nhằm ổn định cuộc sống cho người lao động khi hết tuổi lao động.
Chế độ hưu trí bao gồm 2 quá trình đóng và hưởng. Quá trình đóng được thực hiện khi người lao động bắt đầu tham gia BHXH và quá trình hưởng bắt đầu từ khi người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu cho đến khi qua đời.
Người hưởng chế độ hưu trí được hưởng lương hưu hằng tháng đến trọn đời, được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí và được hưởng các chế độ liên quan của người hưởng lương hưu. Người đang hưởng lương hưu chỉ bị tạm dừng hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp: xuất cảnh trái phép; bị tòa án tuyên bố là mất tích; có căn cứ xác định việc hưởng BHXH không đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, người đang hưởng lương hưu khi qua đời, người thân sẽ nhận tiền trợ cấp mai táng phí và tử tuất một lần. Trường hợp đủ điều kiện thì sẽ nhận tiền tuất hằng tháng.
Hỏi: Mẹ tôi năm nay 46 tuổi, cha tôi 51 tuổi. Cả hai đóng BHXH tự nguyện được 2 năm. Vậy đến bao nhiêu tuổi thì cha mẹ tôi ngừng đóng BHXH? Hay đến tuổi nghỉ hưu phải đóng đủ số năm BHXH để nhận lương hưu?
Trả lời: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 54, Điều 73 Luật BHXH 2014; Điều 219 và khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019; khoản 2 Điều 4 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP; Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP:
- Thời gian tối thiểu tham gia BHXH để được giải quyết chế độ hưu trí là 20 năm.
- Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
- Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Như vậy, đối với trường hợp của gia đình bà:
- Mẹ của bà năm 2023 là 46 tuổi. Từ năm 2035, theo quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là 60 tuổi. Tuổi nghỉ hưu của mẹ bà là 60 tuổi vào năm 2037. Hiện nay, mẹ bà đã đóng BHXH tự nguyện được 2 năm. Như vậy, mẹ bà tiếp tục đóng BHXH tự nguyện đến năm 2037 thì tổng thời gian đóng BHXH tự nguyện là 16 năm. Sau đó, chọn phương án đóng gộp 1 lần 4 năm thì mẹ bà đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH và tuổi nghỉ hưu để giải quyết chế độ hưu trí.
- Cha của bà năm 2023 là 51 tuổi. Từ năm 2028, theo quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 62 tuổi. Như vậy, tuổi nghỉ hưu của cha bà là 62 tuổi vào năm 2034. Hiện nay, cha bà đã đóng BHXH tự nguyện được 2 năm. Như vậy, cha bà đóng tiếp BHXH tự nguyện đến năm 2034 thì tổng thời gian đóng BHXH tự nguyện là 13 năm. Sau đó, chọn phương án đóng gộp 1 lần 7 năm thì bố bà đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH và tuổi nghỉ hưu để giải quyết chế độ hưu trí.