Vụ người dân phản ứng công ty sản xuất bê tông nhựa nóng ở xã Tam Dân: Chưa có cơ sở khoa học xác định ô nhiễm môi trường
(QNO) - Báo Quảng Nam online ngày 16/8/2023 đăng bài “Dân bức xúc do ô nhiễm mùi hôi, khói bụi bốc lên từ trạm sản xuất bê tông”, phản ánh về việc người dân thôn Dương Đàn và Ngọc Tú (xã Tam Dân, Phú Ninh) cho rằng, trạm sản xuất bê tông nhựa máy của Công ty CP Roadco Quảng Nam hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Để có thông tin đa chiều, khách quan, đúng bản chất vụ việc, phóng viên Báo Quảng Nam đã tiếp tục trao đổi, ghi nhận thêm ý kiến của chủ doanh nghiệp, các cấp chính quyền, ngành chức năng chung quanh vụ việc…
Mới vận hành thử nghiệm đã bị cản trở, gây khó khăn
Trao đổi với Báo Quảng Nam, ông Phạm Đức Dũng - Giám đốc Công ty CP Roadco Quảng Nam cho biết, địa điểm xây dựng trạm sản xuất bê tông của công ty đã được các cấp chính quyền, ngành chức năng, người dân địa phương thống nhất đồng thuận trước khi hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý để tiến hành xây dựng. Năm 2019, công ty xây dựng cơ sở sản xuất, dự kiến đưa vào vận hành sản xuất trong năm 2020 và 2021, nhưng đúng vào giai đoạn dịch bệnh COVID-19, nên chưa thể hoạt động. Thời gian đó, công ty tổ chức cổ phần hóa, và đến tháng 3/2022, ông Phạm Đức Dũng mới chính thức tiếp nhận công ty với vị trí Giám đốc.
Năm 2022, khi bắt đầu hoạt động sản xuất thì phát sinh tình trạng khói bụi, mùi hôi trong khu vực. Người dân có đơn phản ánh lên các cấp chính quyền và công ty đã tạm dừng hoạt động để sửa chữa máy móc, khắc phục mùi hôi.
Ngày 28/3/2023, Sở TNMT tỉnh Quảng Nam cấp Giấy phép môi trường số 213 cho công ty. Ngày 29/5/2023, Sở TN-MT có Công văn số 1219 gửi công ty yêu cầu rà soát, khắc phục tình trạng mùi hôi tại trạm sản xuất bê tông, báo cáo sở này trước ngày 10/6/2023. Theo ông Dũng, thời gian này, công ty không tiến hành lấy mẫu quan trắc để gửi về sở được do ngành đặc thù, phụ thuộc thời tiết, phải có hợp đồng kinh tế với đối tác, cùng các yếu tố khác mới vận hành sản xuất.
“Ngày 27/7, Sở TN-MT có văn bản cho phép công ty được vận hành thử nghiệm và lấy mẫu 3 ngày liên tiếp. Ngay sau đó, ngày 28/7, công ty có công văn gửi đến nhân dân các thôn, xã, Phòng TN-MT huyện Phú Ninh, Sở TN-MT thông báo về việc công ty tổ chức vận hành sản xuất thử nghiệm để lấy mẫu phục vụ quan trắc môi trường theo yêu cầu của Sở TN-MT. Tuy nhiên, khi đưa trạm sản xuất bê tông vào hoạt động thì người dân tập trung cản trở, không cho chúng tôi sản xuất thử nghiệm” - ông Dũng phản ánh.
Ông Dũng thừa nhận, ở thời điểm năm 2022, do máy móc để lâu ngày không sản xuất, thiết bị công nghệ hư hỏng, nên khi vận hành trạm sản xuất bê tông, có phát sinh tình trạng khói bụi, gây mùi khét, ảnh hưởng đến môi trường. Sau đó, công ty đã dừng hoạt động và tiến hành thay thế hệ thống đầu bes phun nấu dầu FO đã hỏng bằng đầu bes mới hoàn toàn, thay dầu FO thường bằng dầu FO 3.5S có ưu điểm đốt cháy hoàn toàn, không sinh ra khí lưu huỳnh; đồng thời đầu tư bổ sung giàn phun sương, thay mới 100% bụi túi vải nhằm hạn chế tối đa bụi và mùi hôi phát tán ra khu vực chung quanh.
“Sau khi đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, công ty đã được Sở TN-MT cấp giấy phép về môi trường; đồng thời cho phép vận hành thử nghiệm để ngành chức năng kiểm định, đánh giá chính xác các tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường. Bây giờ chúng tôi phải vận hành máy móc để lấy mẫu phục vụ kiểm định môi trường; nhưng khi hoạt động thì người dân cản trở, gây khó khăn buộc chúng tôi phải tạm dừng sản xuất.
Chúng tôi đã nhiều lần giải thích, thậm chí gửi đơn cầu cứu chính quyền địa phương, ngành TN-MT, kể cả đề nghị công an huyện hỗ trợ, bảo vệ hoạt động chính đáng của doanh nghiệp, nhưng người dân vẫn tiếp tục gây khó khăn cho chúng tôi. Điều đáng nói là các hộ dân sống gần khu vực trạm sản xuất bê tông thì đồng thuận, không có ý kiến phản đối; trong khi đó, một số người dân ở cách xa khu vực trạm sản xuất hơn 1km, lại lên tiếng phản đối, cản trở” - ông Dũng bức xúc.
“Bây giờ chúng tôi mong muốn người dân đồng tình ủng hộ cho công ty hoạt động trở lại để cơ quan chuyên môn lấy mẫu quan trắc môi trường, khi có kết quả quan trắc thì mới biết có ô nhiễm hay không”
(Ông Phạm Đức Dũng - Giám đốc Công ty CP Roadco Quảng Nam)
Năm 2017, huyện Phú Ninh đã có chủ trương thống nhất cho Công ty CP Roadco Quảng Nam đầu tư xây dựng trạm sản xuất bê tông nhựa nóng tại thôn Dương Đàn (xã Tam Dân). Từ đề nghị của UBND huyện Phú Ninh, chủ doanh nghiệp, Sở KH-ĐT, ngày 5/4/2018, UBND tỉnh đã ra Quyết định thống nhất chủ trương đầu tư (số 1186). Tiếp đó, ngày 29/7/2018, UBND tỉnh có Quyết định số 2185 phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án đầu tư trạm sản xuất bê tông nhựa nóng công suất 200 tấn/giờ tại thôn Dương Đàn (Tam Dân).
Ngày 19/9/2018, UBND tỉnh ra Quyết định số 2832 về việc thu hồi đất, cho Công ty CP Roadco Quảng Nam thuê 4.937m2 để xây dựng trạm sản xuất bê tông nhựa nóng. Ngày 12/6/2019, Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng (số 38). Ngày 28/3/2023, Sở TN-MT cấp Giấy phép môi trường số 213 cho công ty.
Chưa có căn cứ khẳng định ô nhiễm môi trường
Chủ tịch UBND xã Tam Dân - ông Võ Văn Nam thông tin, tháng 10/2022, UBND xã nhận được đơn kiến nghị tập thể của người dân thôn Dương Đàn và thôn Ngọc Tú về hoạt động sản xuất của Công ty CP Roadco Quảng Nam gây khói đen, bụi và mùi hôi, khét.
Ngày 24/10/2022, UBND xã phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành của huyện và đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) làm việc với công ty. Tại buổi làm việc, UBND huyện đề nghị công ty dừng hoạt động để khắc phục các tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường của trạm sản xuất bê tông nhựa nóng theo đúng nội dung của Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Sau khi hoàn thành các giải pháp xử lý môi trường theo yêu cầu, đề nghị báo cáo kết quả thực hiện về Chi cục Bảo vệ môi trường, UBND huyện Phú Ninh, Phòng TN-MT huyện, UBND xã Tam Dân để kiểm tra thực tế, xem xét cho phép hoạt động trở lại. Đồng thời, đề nghị công ty lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật.
“Qua kiểm tra, UBND xã nhận thấy công ty đã chấp hành việc dừng hoạt động và khắc phục các nội dung theo yêu cầu” – ông Nam nói.
Ngày 24/7/2023, một số người dân tập trung tại nhà máy, ngăn cản việc hoạt động của công ty, họ đề nghị di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư hoặc không được hoạt động. Sau đó, sáng ngày 2/8/2023, khi công ty sản xuất, người tập trung phản đối, ngăn cản quyết liệt không cho xe ra khỏi nhà máy, dẫn đến xô xát, ẩu đả giữa nhân viên công ty và người dân.
Ông Võ Văn Nam nhận định: “Tình hình tại nhà máy ngày càng phức tạp, nếu không được can thiệp, chỉ đạo xử lý của cơ quan chức năng thì tại đây tiềm ẩn nguy cơ phát sinh “điểm nóng” về an ninh trật tự trên địa bàn, gây ra sự việc khó lường”.
Trước diễn biến vụ việc, chính quyền xã Tam Dân và lãnh đạo huyện Phú Ninh đã tổ chức đối thoại với các hộ dân và doanh nghiệp; gần đây nhất là ngày 15/8, Bí thư Huyện ủy Phú Ninh Vũ Văn Thẩm và Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Xuân Chính trực tiếp đối thoại với các bên liên quan. Thành phần gồm đầy đủ các ban, ngành, đoàn thể của huyện, xã, cộng đồng dân cư khu vực tác động dự án, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa thống nhất trong cách giải quyết.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Huỳnh Xuân Chính – Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết, huyện nhận được đơn của 22 hộ dân xã Tam Dân phản ánh về công ty gây ảnh hưởng môi trường và đơn của công ty về việc các hộ dân cản trở hoạt động sản xuất gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Phú Ninh xác định đây là đây là vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều người dân nên UBND huyện chỉ đạo Phòng TN-MT phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường của Sở TNMT, đến hiện trường ngày 10/8/2023 để kiểm tra lại việc chấp hành các quy định theo giấy phép đã được sở TN-MT cấp cho công ty.
Ông Huỳnh Xuân Chính nói: “Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy việc hoạt động của công ty hiện nay đảm bảo hồ sơ thủ tục theo quy định của pháp luật”.
Cũng theo ông Chính, để biết được công ty có vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường hay không, thì phải để công ty tổ chức vận hành sản xuất. Trên cơ sở đó, ngành chức năng mới lấy mẫu kiểm nghiệm, kết luận cụ thể.
[VIDEO] - Ông Huỳnh Xuân Chính – Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh trả lời xoay quanh trạm sản xuất bê tông nhựa nóng của Công ty CP Roadco Quảng Nam tạm dừng hoạt động:
Trong khi đó, tại buổi đối thoại ngày 15/8, Bí thư Huyện ủy Phú Ninh cũng nêu rõ quan điểm: “Người dân địa phương cần bình tĩnh, chờ đợi kết luận chính thức, có cơ sở khoa học từ cơ quan chức năng. Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định, trạm sản xuất bê tông của công ty gây ô nhiễm môi trường, chính quyền địa phương sẽ buộc công ty phải dừng sản xuất. Ngược lại, doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, tuân thủ quy định về môi trường, thì không có lý do gì để cản trở, gây khó khăn cho doanh nghiệp”.
Như vậy, vấn đề đặt ra hiện nay, là các cấp chính quyền, ngành chức năng và người dân địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tổ chức sản xuất, vận hành thử nghiệm. Mọi sự cản trở một cách tùy tiện, cảm tính sẽ làm phức tạp về an ninh trật tự tại địa phương mà không giải quyết rốt ráo vấn đề.