Văn hóa Quảng Nam đã trình làng như thế!

HOÀNG DIỄM 21/06/2023 10:20

(ĐS 21/6) - Ấn phẩm Văn hóa Quảng Nam là sản phẩm mới hoàn toàn khi Báo Quảng Nam thực hiện Quyết định số 325-QĐ/TU ngày 13/10/2021 về phê duyệt Đề án phát triển Báo Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 (Đề án số 303-ĐA/BQN ngày 4/10/2021) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

 

Ngay từ khi Đề án được phê duyệt, Báo Quảng Nam đã chuẩn bị mọi điều kiện về nhân lực, thủ tục cấp phép, tài chính… để có thể xuất bản ấn phẩm. Ấn phẩm xây dựng theo hướng lựa chọn các chủ đề chuyên biệt cho từng số phát hành.

Nội dung giới thiệu, quảng bá các giá trị đặc trưng văn hóa Quảng Nam, danh lam thắng cảnh, tiềm năng và địa chỉ du lịch, cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển văn hóa, du lịch Quảng Nam.

Định vị được chỗ đứng

Báo giấy rơi vào trầm lắng. Khi báo điện tử và mạng xã hội chiếm ưu thế. Trí tuệ nhân tạo (Al) bắt đầu lên ngôi. Khi đó, làm báo thời công nghệ trở nên khó khăn hơn nếu muốn định vị được một chỗ đứng vững vàng. Trong bối cảnh ấy, chúng tôi chọn phân khúc ngách, chạm vào bản sắc riêng có của văn hóa xứ Quảng để bạn đọc ở lại với mình.

Khởi đi từ số đầu tiên vào tháng 2/2022, đến nay Văn hóa Quảng Nam phát hành được 15 số (với 146.386 bản). Ở chặng đầu tiên này, bạn đọc đánh giá khá cao, có nhiều động viên và khen ngợi.

Nói như nhà văn Lê Trâm: “Cảm giác đầu tiên của tôi là ngạc nhiên về sự có mặt của Văn hóa Quảng Nam, không phải với tư cách tờ tạp chí của Sở VH-TT&DL từng tồn tại thời gian khá dài mà là ấn phẩm ra hằng tháng của Báo Quảng Nam. Với tôi, Văn hóa Quảng Nam đã có một diện mạo bắt mắt và đáng đọc”.

Bằng cách mời các nhà nghiên cứu, nhà báo, văn nghệ sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh phù hợp theo từng chủ đề của mỗi tháng; tòa soạn thiết kế rất nhiều chuyên đề có chiều sâu (tuồng, bài chòi, văn hóa miền núi - miền biển, trang phục xứ Quảng, giao lưu văn hóa Việt - Nhật, di sản tư liệu...).

Khi chọn chuyên đề văn hóa/du lịch thường phải phù hợp điểm rơi vào những sự kiện thời sự chính trị - xã hội, tạo thêm độ nổi, cộng hưởng cho sự lan tỏa này. Chất báo chí trong ấn phẩm đảm bảo cho điều đó.

Ấn phẩm không chủ trương như một tạp chí chuyên ngành, các vấn đề quá hàn lâm chuyên sâu không phù hợp với đối tượng độc giả mà báo phục vụ. Những đề tài văn hóa sẽ được chuyển tải qua góc nhìn và lăng kính của báo chí, phù hợp rộng rãi công chúng hơn. Cho nên bài viết sẽ theo hướng cô đọng, súc tích, thể hiện được những câu chuyện văn hóa xứ Quảng. Với những độc giả mong muốn tìm kiếm tính khoa học hàn lâm thì ấn phẩm khó đáp ứng.

Chúng tôi đã học hỏi không ngừng, từ cách tổ chức bản thảo khai thác các khía cạnh của một chủ đề, bìa, cho đến những chi tiết nhỏ nhất như chú thích ảnh, phom chữ, cân nhắc từng góc ảnh…

Chúng tôi học hỏi các tạp chí ở phía nam, nơi sự năng động của người làm báo thể hiện rõ hơn hết. Có khi, đó là học lại cách của những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, với những bản vẽ bìa ấn phẩm nhạc (qua các tổng phát hành Diên Hồng, Minh Phát…). Mỗi công đoạn từ nội dung cho đến trình bày đều được gia công để có sự phong phú, phá cách để tạo được yếu tố thẩm mỹ cao nhất.

Dành nguồn cho tương lai

Sau một năm rưỡi thực hiện ấn phẩm, chúng tôi chủ trương tiết chế để dành nguồn tài nguyên cho đường dài. Hơn 550 năm danh xưng Quảng Nam, kho tàng văn hóa đầy đặn của xứ này là mảnh đất màu mỡ để người làm báo khai thác. Nhưng đường dài mới biết ngựa hay.

Từ số 15 (tháng 5/2023), tòa soạn đã bắt đầu chuyển từ 2 chuyên đề/số sang 1 chuyên đề/số. Trong đợt khảo sát sơ bộ với bạn đọc mới đây, một vài chuyên mục sẽ được tính toán mở mới để đáp ứng đa dạng nhu cầu của bạn đọc. Bạn đọc ở đâu, chúng tôi (tòa soạn) ở đó. Bởi lẽ, thực đơn nhiều món vẫn hấp dẫn hơn một vài món cơ bản.

Điều khó trước mắt và cả lâu dài, là khi làm theo chuyên đề thì lại khá kén chọn người viết. Lực lượng cộng tác viên chuyên về văn hóa ngày càng ít dần, góp mặt hiện tại là một số tay bút đã thành danh. Việc phát hiện người mới để bổ sung không phải chuyện nói là làm ngay được.

Trong chặng đường vừa qua, chúng tôi đã huy động được người viết cả trong và ngoài nước. Điều đó giúp ấn phẩm đi xa hơn không gian tỉnh lẻ. Và chúng tôi biết, ngoài nội dung thì sẽ phải mạnh mẽ hơn trong phá cách với trình bày. Điều này sẽ tạo cảm giác không lặp lại trên từng số phát hành. Kiểu dáng phải được thay đổi liên tục để phù hợp với xu hướng “thời trang” chuyển động từng ngày.

Thay đổi là chuyện tòa soạn phải làm thường xuyên, để tự làm mới mình theo yêu cầu của bạn đọc. Theo dõi xuyên suốt, bạn đọc sẽ thấy những thay đổi này qua từng số.

Năm 2023, tiếp tục chuyên nghiệp hơn theo quy trình làm báo thời công nghệ, tòa soạn đã gắn QR-Code cho Văn hóa Quảng Nam. Bạn đọc muốn theo dõi đầy đủ nội dung của ấn phẩm từ những ngày đầu đến nay, đều có thể quét mã. Đây là hệ thống dữ liệu lớn, gợi mở nhiều vấn đề về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa xứ Quảng, cần cho những người muốn nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn ở những mảng miếng mà chúng tôi đã thực hiện.

Khi định vị chỗ đứng với bạn đọc, là chúng tôi muốn góp một sản phẩm có giá trị, ngõ hầu góp phần vào văn hóa đọc, để văn hóa đọc được lan tỏa. Với những độc giả chưa tiếp cận được phiên bản báo giấy, thời gian tới, phiên bản e-paper cũng sẽ được tích hợp trên báo điện tử. Dự tính từ năm 2025, với phần chuyên đề du lịch, ấn phẩm sẽ phát hành song ngữ tiếng Việt - Anh phục vụ du khách và các nhà đầu tư quốc tế.

Nếu bạn đọc cảm thấy nhàm chán, hãy nhắn cho chúng tôi! Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe để cải thiện, cải tổ để phục vụ tốt nhất trong khả năng của mình.

HOÀNG DIỄM