Cần giải quyết dứt điểm tình trạng mất vệ sinh ở chợ Cẩm Khê

H.CHÂU - .Đ.YÊN 25/02/2023 14:38

(QNO) – Một số tiểu thương tại chợ Cẩm Khê (xã Tam Phước, huyện Phú Ninh) bức xúc phản ánh việc nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và buôn bán bị ô nhiễm, cạnh đó là khu nhà vệ sinh bị khóa rất bất tiện.

Một số tiểu thương chợ Cẩm Khê vẫn sử dụng nước từ giếng bỏ hoang. Ảnh: C.Đ
Một số tiểu thương chợ Cẩm Khê vẫn dùng nước từ giếng bỏ hoang. Ảnh: C.Đ

Theo một số tiểu thương chợ Cẩm Khê, lâu nay họ sử dụng nước giếng do một người dân để lại khi di dời nhà cửa. Qua thời gian, giếng này xuống cấp, thành giếng bị hỏng, nước bẩn từ mương thoát nước chảy vào giếng làm nước giếng chuyển sang đục đen, bốc mùi tanh hôi.

Bà Đ.T.B. nói: “Gần một năm nay, tiểu thương bán thịt phải đi xin từng xô nước về vệ sinh khu vực buôn bán khi kết thúc buổi chợ. Thiếu nước sạch nên chỗ buôn bán dơ bẩn, nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất cao. Chúng tôi đã kiến nghị ban quản lý chợ, UBND xã Tam Phước nhưng chưa được quan tâm giải quyết”.

Các tiểu thương cũng phản ánh việc khu nhà vệ sinh luôn trong tình trạng khóa cửa. Bà N.T.H. cho biết, người dân muốn dùng nhà vệ sinh thì phải đến gặp người quản lý lấy chìa khóa và trả phí 2.000 đồng/lần đi vệ sinh.

“Nhưng nhiều khi cũng không có người quản lý khu vệ sinh ở chợ này. Rồi nhiều người không muốn trả phí nên đi vệ sinh bừa bãi quanh khu vực chợ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng” - bà H. bức xúc.

Khu nhà vệ sinh bị khóa trái khiến các hộ kinh doanh, người đi chợ bức xúc. Ảnh: C.Đ
Khu nhà vệ sinh bị khóa trái khiến các hộ kinh doanh, người đi chợ không có chỗ đi vệ sinh. Ảnh: C.Đ

Trao đổi với Báo Quảng Nam, ông Trần Huy Cường - Ban quản lý chợ Cẩm Khê cho hay, chợ Cẩm Khê có hơn 130 hộ buôn bán, kinh doanh, mỗi tiểu thương buôn bán trong chợ phải đóng phí 60.000 đồng tiền môi trường, bảo vệ… không bao gồm tiền phí nước sinh hoạt.

“Hộ kinh doanh nào muốn sử dụng nước sạch thì phải đăng kí và trả phí cho Nhà máy nước Tam Phước. Hiện nay chỉ có các tiểu thương hàng bán cá và bán đồ ăn uống đã trả phí để được dùng nước sạch, còn các tiểu thương bán thịt và rau không một ai đăng ký, trả phí sử dụng nước sạch dù chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi làm việc” – ông Cường thông tin.

Để giải quyết vấn đề, UBND xã Tam Phước đã thống nhất để Ban quản lý chợ Cẩm Khê lắp đặt 1 bồn nước sạch loại 1.500 lít, vận động các tiểu thương đóng phí 20.000 đồng/tháng để sử dụng nước từ bồn. Riêng đối với khu nhà vệ sinh, ban quản lý chợ tính toán phương án quản lý phù hợp, thường xuyên mở cửa cho tiểu thương và người đi chợ sử dụng; đặt thùng phí hoặc thu thêm phí từ tiểu thương, tạo môi trường kinh doanh văn minh, an toàn.

H.CHÂU - .Đ.YÊN