Hỏi - đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
(QNO) - Tôi xin hỏi, thứ Bảy và Chủ nhật các bệnh viện không khám bệnh, vậy Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động được cấp vào những ngày này thì có được hưởng chế độ ốm đau không?
Trả lời: Vấn đề này, chúng tôi xin được trả lời như sau:
Tại Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 2/7/2015 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính; khoản 10 Điều 27 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định cơ sở y tế có thể tổ chức hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) vào ngày nghỉ, ngày lễ nhưng phải thông báo cho tổ chức BHXH để bổ sung vào hợp đồng khám chữa bệnh, đồng thời phải bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn trước khi thực hiện khám chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngày lễ.
Do đó, nếu cơ sở nơi người lao động khám chữa bệnh có thực hiện đăng ký khám chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định nêu trên thì Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH được cấp đối với người lao động vẫn có giá trị làm căn cứ để xem xét giải quyết hưởng chế độ BHXH.
Tại khoản 1 Điều 25 Luật BHXH năm 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động đang tham gia BHXH là: Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
Tại khoản 1 Điều 26 Luật BHXH năm 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần, cụ thể như sau:
- Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
- Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
Tại khoản 2 Điều 111 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.
Căn cứ các quy định nêu trên, việc giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động phụ thuộc vào thời gian điều trị theo chỉ định của y bác sĩ ghi trên Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và thời gian người lao động thực tế nghỉ việc tại đơn vị do ốm đau. Nếu ngày thứ Bảy, Chủ nhật là ngày nghỉ hằng tuần của đơn vị nơi người lao động làm việc, người lao động nghỉ việc do ốm đau thông thường trùng với những ngày này thì không được giải quyết hưởng chế độ ốm đau.
Hỏi: Tôi nghỉ chế độ thai sản từ ngày 27/3 đến hết 26/9/2022, nhưng ngày 3/10/2022 tôi mới đi làm lại và tiếp tục đóng BHXH. Sau khi đi làm, tôi muốn nghỉ dưỡng sức 7 ngày (26/10 - 2/11/2022) do sinh mổ. Vậy tôi có được nhận tiền dưỡng sức sau sinh không?
Trả lời: Vấn đề của bà chúng tôi xin được trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 41 Luật BHXH năm 2014 thì lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tối đa 7 ngày đối với trường hợp sinh 1 con phải phẫu thuật.
Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định.
Tại khoản 8 Điều 1 Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH ngày 7/7/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ LĐ-TB&XH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định: "Khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 41 của Luật BHXH là khoảng thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn được hưởng chế độ thai sản mà sức khỏe của người lao động chưa phục hồi".
Trường hợp của bà không nêu rõ về chế độ ngày nghỉ hằng tuần theo quy định tại công ty nơi bà làm việc, đồng thời việc quyết định số ngày nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe do ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định, BHXH Việt Nam cung cấp các quy định về trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe để bà đối chiếu với trường hợp cụ thể của bản thân, khi bà đủ điều kiện hưởng trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe, đơn vị sử dụng lập hồ sơ, nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH để đề nghị giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe đối với bà.