Hỏi - đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
(QNO) - Hỏi: Theo quy định của Bộ luật Lao động, người lao động (NLĐ) bị tai nạn giao thông trên đường đi làm hoặc đi về đúng thời gian và tuyến đường hợp lý, để được hưởng chế độ tai nạn lao động (TNLĐ) thì bảo hiểm xã hội (BHXH) yêu cầu phải có giấy xác nhận của cảnh sát giao thông nhưng khi qua xin xác nhận của cảnh sát giao thông thì không được xác nhận. Vì vậy, đề xuất cơ quan, ban ngành tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ hưởng chế độ TNLĐ trong trường hợp nêu trên.
Trả lời: Điều 35, Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 quy định về điều tra TNLĐ: Trường hợp tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cung cấp cho đoàn điều tra một trong các giấy tờ sau đây:
a) Biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn;
b) Biên bản điều tra tai nạn giao thông;
c) Trường hợp không có các giấy tờ quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì phải có văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra tai nạn theo đề nghị của NLĐ hoặc thân nhân của NLĐ.
Theo quy định tại Thông tư số 28/2021/TT-BLĐTBXH ngày 28.12.2021 của Bộ LĐ-TB&XH quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều về Luật An toàn, vệ sinh lao động về chế độ đối với người bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, tại phụ lục IV có hướng dẫn văn bản xác nhận đối với trường hợp không có biên bản điều tra tai nạn giao thông hoặc biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tại nạn thì xác nhận theo mẫu phụ lục IV, cơ quan xác nhận là UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi xảy ra vụ tai nạn.
Về hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm TNLĐ: Theo quy định của BHXH Việt Nam tại Quyết định số 222/QĐ-BHXH ngày 25.2.2021 công bố thủ tục hành chính được thay thế, bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam quy định như sau:
1. Bản chính văn bản đề nghị giải quyết chế độ (mẫu số 05A-HSB) theo quyết định số 166/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam (do đơn vị sử dụng lao động lập).
2. Bản sao giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị TNLĐ.
3. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của hội đồng giám định y khoa.
4. Chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy định về trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt (nếu có).
5. Hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê nội dung giám định của cơ sở giám định y khoa (đối với trường hợp thanh toán chi phí giám định y khoa).
Như vậy, hồ sơ cơ quan BHXH quy định về giải quyết bảo hiểm TNLĐ đã tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật và cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không yêu cầu bắt buộc phải có giấy xác nhận của cảnh sát giao thông như NLĐ nêu ở trên.
Hỏi: Hiện nay nữ công nhân lao động nghỉ sinh, trong thời gian nghỉ thai sản được xét là thời gian tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng lại không được xét thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Lao động nữ chăm con nhỏ rất túng thiếu, chi phí nhiều, nên BHTN cũng nên xét để công nhân được hưởng quyền lợi về BHTN trong thời gian nghỉ thai sản 6 tháng (hiện nay chế độ này không được tính).
Trả lời: Tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12.3.2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN quy định: Trường hợp NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH, NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật thì NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHTN trong thời gian này.
Tại khoản 6 Điều 42 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14.4.2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định: NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và NLĐ không phải đóng BHXH, BHTN, bảo hiểm TNLĐ - bệnh nghề nghiệp, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho NLĐ.
Theo đó, trong thời gian NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con (6 tháng) thì NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHTN và không được tính là thời gian đóng BHTN. Nội dung đề nghị của NLĐ, cơ quan BHXH ghi nhận để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền trong quá trình sửa đổi quy định của pháp luật.