Về với núi

ALĂNG NGƯỚC 21/06/2022 06:47

Tôi muốn giữ ngọn lửa nghề bằng những chuyến đi xa. Bởi, đôi chân chưa muốn dừng lại nên chỉ có thể đi và đi như một cuộc rong chơi, về với núi, với tình anh em đồng bào chưa bao giờ cạn…

Tác giả trong một chuyến tác nghiệp tại vùng cao.
Tác giả trong một chuyến tác nghiệp tại vùng cao.

Chuyện hay phía núi

Vẫn câu hỏi cũ, trước mỗi chuyến đi, tôi thường “rủ rê” một vài đồng nghiệp đi cùng. Đi là để biết, để gom nhặt câu chuyện mà có khi mình chưa bao giờ nghe thấy. Điều đó, tôi nghĩ chẳng bao giờ sai.

Bởi câu chuyện hôm nay và ngày mai đều hoàn toàn khác. Những gương mặt người mới gặp hôm qua, câu chuyện của họ hôm nay khi có cơ duyên gặp lại cũng sẽ khác. Và nếu không đi, không gặp, sẽ không có câu chuyện để gom nhặt cho nghề.

Nhưng, núi với tôi như người bạn tri kỷ nên chuyến đi không quá quan trọng “có làm được gì không”. Mỗi người có một cách nhìn nhận vấn đề để khai thác, với tôi mọi thứ cũng vậy, nhưng đôi khi có vài câu chuyện không chỉ dừng ở vai trò “người đi kể”, mà xa hơn là góp thêm tiếng nói cho cộng đồng.

Tôi hay nói đùa, nghề báo là nghề đi kể lại câu chuyện của người khác. Dưới góc nhìn của mỗi người, câu chuyện sẽ trở nên sinh động và cuốn hút. Nhưng đã là nghề thì tuyệt đối không được bịa ra chuyện không có thật, phi thực tế, đạo đức nghề và đạo đức cộng đồng không bao giờ cho phép điều đó. Anh em làng báo thường hay nói, đó là điều cấm kỵ nên tránh.

Đi núi, dường như tôi không có kế hoạch gì cả. Chỉ cần một lời mời hoặc cuộc điện thoại là lên đường. Đi để biết và trải nghiệm, bởi tôi nghĩ đơn giản, mọi thứ không bao giờ lặp lại với mình.

Và trong số rất nhiều “cuộc rong chơi” ấy, đã giúp tôi có niềm cảm hứng để hình thành các tác phẩm phóng sự, ghi chép được độc giả đón nhận. Sau những thành công bước đầu, tôi vẫn giữ thói quen đi núi.

Chuyến đi dài có thể gần nửa tháng. Anh em đồng nghiệp hiểu chuyện, mỗi khi cần chuyện gì, thường hay hỏi ngược lại tôi: “Đang ở núi mô đó?”.

Tác giả (phải) trong một chuyến tác nghiệp đến cụm dân cư Pêtapót (xã Đắc Pring, Nam Giang).
Tác giả (phải) trong một chuyến tác nghiệp đến cụm dân cư Pêtapót (xã Đắc Pring, Nam Giang).

Tư liệu quý cho cộng đồng

Năm ngoái, khi tôi đoạt giải B Giải báo chí toàn quốc viết về công tác xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng), nhiều đồng nghiệp đã lục lại loạt bài phóng sự được trao giải để tìm đọc. Ai cũng bày tỏ sự cảm phục, bởi tư liệu quý được đề cập trong mỗi tác phẩm của “Ánh sáng ở vùng cao”.

Nhà báo Lê Hoàng Sơn (phóng viên Báo Thanh Niên) nói với tôi, trong loạt bài đó, anh thật sự xúc động khi đọc đến câu chuyện về tình nghĩa đồng bào Cơ Tu đối với thành viên cộng đồng làng mình.

Chuyện đã gần 10 năm, sau thời điểm lũ cuốn trôi cả người, xe máy và hơn 650 triệu đồng tiền chính sách trong một chuyến công tác trở về của cán bộ địa phương, hàng chục cán bộ, đảng viên ở xã Ga Ry (Tây Giang) đã đồng loạt thống nhất “bỏ qua” giúp cứu sinh một phận người sau sự cố.

“Câu chuyện đó thật mà như đùa. Không dễ ai cũng biết được đâu. Một tư liệu rất quý về nghĩa cử tốt đẹp của đồng bào vùng cao” - nhà báo Hoàng Sơn chia sẻ.

Để thực hiện loạt tác phẩm đó, tôi đã mất gần một tháng tìm hiểu và tổng hợp tư liệu. Chuyến tác nghiệp thật sự như một “cuộc rong chơi”, bởi hẹn gặp nhân vật ở vùng cao là điều cực kỳ khó khăn. Nhiều người đi làm nương rẫy, họ vào rừng từ rất sớm, vì thế có khi mất cả ngày để chờ.

Tôi thường chia sẻ với đồng nghiệp, khi liên hệ tác nghiệp ở vùng cao, nên rèn trước kỹ năng… chờ. Bởi, nếu không chờ, sẽ không có những câu chuyện thực tế từ nhân vật và hơn cả, là phải biết “chiều” họ trong cuộc hàn huyên để khai thác được “chi tiết đắt”.

Tư liệu với tôi là câu chuyện của các già làng, người có uy tín, thậm chí là những người trẻ. Mỗi người một góc cạnh, một điểm nhấn mới để góp thêm nội dung phong phú trong mỗi bài viết sinh động, mang đầy hơi thở cuộc sống. Điều đó, là thực sự cần thiết khi tác phẩm viết về mảng đề tài văn hóa, nét đẹp trong đời sống cộng đồng ở vùng cao.

Rong ruổi theo chuyến đi, tôi học thêm từ những người bạn và nhân vật của mình về giá trị cuộc sống đời thực. Đó là tư liệu quý giúp tôi gom nhặt để hỗ trợ nhiều hơn cho bài viết của mình, sau những cuộc về ngàn…

ALĂNG NGƯỚC