"Bạn tin" ở trên ngàn
Có những bản tin ban đầu, tôi không thể đặt chân tới hiện trường bởi nhiều tuyến đường vùng cao bị mưa lũ chia cắt. Trong lúc khó khăn nhất, tôi may mắn có những “bạn tin” hỗ trợ một cách kịp thời.
Nhớ đợt lũ quét xảy ra tại Đông Giang và Tây Giang vào cuối năm 2020, một ngày sau thiên tai, tôi cùng một đồng nghiệp đã có mặt. Nhiều người bạn của tôi trên đó bày tỏ sự ngạc nhiên, khi thấy xe máy, áo quần chúng tôi dính đầy bùn đất. Họ dặn dò: “Đường khó đi lắm. Lên mấy xã biên giới có khi chỉ đi bộ thôi. Cẩn thận nhé!”.
Thật ra, chuyến đi đó, là để tôi ghi nhận thực tế, triển khai tuyến bài sâu hơn về đợt lũ quét lịch sử lần đầu tiên xảy ra tại 2 huyện miền núi này. Bởi trong bản tin đầu tiên, ngoài gửi kèm hình ảnh, những người bạn của tôi còn nhắn nhủ thông tin, nhiều hộ dân đang có nguy cơ thiếu đói. Vì thế, buộc tôi phải tức tốc lên đường. Sau lũ, đường đi khó khăn, khi đến được trung tâm huyện Tây Giang, trời đã tối mịt.
Sáng hôm sau, chúng tôi tìm đến xã A Nông. Đi được hơn chục cây số thì đường bị tắc. Trước mặt, một cây cầu bê tông đã bị lũ cuốn phăng, gãy gập. Phía bên kia, hàng trăm hộ dân đang bị cô lập. Tôi nắm thông tin sơ bộ từ người dân, rồi tìm cách liên lạc với chính quyền địa phương.
Cũng may, người dân địa phương trữ sẵn lương thực tại chỗ nên giải quyết được chuyện thiếu ăn. Trong chuyến khảo sát hôm ấy, ông Bh’ling Mia - Bí thư Huyện ủy Tây Giang có mặt tại điểm cầu bị lũ cuốn, chỉ đạo các lực lượng khẩn trương khắc phục, giúp thông tuyến sớm, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Năm ngoái, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, tôi được phân công phụ trách đưa tin tại địa bàn phụ trách các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang.
Sự kiện diễn ra cùng lúc, tôi chỉ có thể chọn 1 địa điểm để tác nghiệp. Còn lại, tôi kết nối với cộng tác viên để nhờ chụp ảnh, đưa tin. Là cộng tác viên không chuyên nên nhiều người thường rất ngại khi được nhờ hỗ trợ.
Để làm tròn vai, tôi chia sẻ kinh nghiệm, giúp họ trong cách chụp ảnh một cách cụ thể. Trên từng bản tin, tôi để tên tác giả là các cộng tác viên, khiến họ vui nên “đòi” trả công cho tôi để… cảm ơn.
Làm báo có nhiều niềm vui. Hôm nọ, tôi đến làng Cheng Tông (thôn 1, xã Trà Cang, Nam Trà My), đang bí nhân vật, tình cờ gặp được một người bạn cũ. Bạn tôi nói, ở làng Cheng Tông có quen một nữ bí thư chi bộ rất đa tài và… lạ lùng.
Tôi bị cuốn hút bởi sự tò mò nên ngược núi đi trong chiều mưa tầm tã. Sau lời giới thiệu, chúng tôi bị nhân vật dắt tay ra quán thịt vịt phía bên kia đường để làm quen cho “dễ nói chuyện”. Mà thật, sau một vài ly rượu, câu chuyện trở nên suôn sẻ hơn.
Đó là Trương Thị Luôn, một nữ bí thư chi bộ rất “lạ lùng” và dễ mến. Hành trình của Luôn, là đấu tranh loại bỏ hủ tục của cộng đồng, vận động người dân di dời từ làng cũ trên rẻo núi về mặt bằng định cư mới. Khi cuộc sống được ổn định, nhiều năm trở lại đây, làng Cheng Tông trở thành điển hình của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc di thực sâm Ngọc Linh.
Đi và đi, sau gần 10 năm miệt mài, “bạn tin” của tôi bây giờ không chỉ đơn thuần là bạn bè thân quen, các trưởng thôn, bí thư chi bộ…, mà còn có lãnh đạo các địa phương.
Nhiều sự kiện nóng, đặc biệt là thiên tai, nguồn tin ban đầu, có khi là từ cán bộ cơ sở báo về. Họ sẵn sàng chụp ảnh, ghi lại thông tin rồi gửi qua hệ thống mạng xã hội zalo, facebook để tôi kịp thời cập nhật. Vì thế, nhiều nguồn tin ở miền núi, với tôi đều là những người bạn thân tình…