Giữ lửa nghề qua trang viết
Trên nẻo đường tác nghiệp, dẫu có khó khăn, chông gai, tôi chưa bao giờ thấy mỏi. Hạnh phúc, niềm vui từ những trang viết là động lực để giữ lửa yêu nghề.
Vào điểm nóng phá rừng
Năm 2018, tôi và vài cộng sự nhận được tin tố giác có vụ phá rừng với diện tích lớn. Sau khi xác minh thông tin, chúng tôi lên kế hoạch thâm nhập khu vực phá rừng tự nhiên với quy mô gần 2ha tại lâm phận suối Khe Tre, vùng tiếp giáp xã Kà Dăng (Đông Giang).
Trước đó, khi nhận tin báo từ người địa phương, tôi và hai nữ thực tập viên tại báo vào vai những người đi phượt có mặt tại Khe Tre. Chúng tôi được một người dân chỉ cụ thể con đường dẫn vào cửa rừng nhưng người này giấu tên và từ chối dẫn đường vì sợ gặp rắc rối.
Giữa rừng không mông quạnh, không có chút dấu vết nào, nếu không có sự chịu khó, rất dễ bỏ cuộc. Trước mắt chúng tôi là 2 ngả đường dẫn vào rừng và không rõ lâm tặc đi vào rừng bằng đường nào.
Ngồi nghỉ chừng mươi phút, chúng tôi thấy một số người đi trên những chiếc dream, win cũ được độ chế - dáng vẻ như lâm tặc; họ nhìn chúng tôi với ánh mắt dò xét.
Thấy không khả nghi, họ phóng xe như bay vào rừng. Nhìn quanh bìa suối, bụi rậm, có nhiều gỗ được xẻ phách và lâm tặc khéo léo nguỵ trang bằng cành lá cây.
Mất nửa giờ chúng tôi mới dò tìm được con đường lâm tặc ra vào vận chuyển gỗ. Vụ phá rừng diễn ra đã lâu, nằm cách chốt kiểm lâm địa bàn không xa, nhưng gỗ vẫn được chở trót lọt. Chúng tôi dừng cuộc thăm dò và quay ra.
Sau khi có 5 đồng nghiệp và một người dày kinh nghiệm đi rừng cùng đi, chúng tôi chọn đúng thời điểm giữa trưa, khi lâm tặc đã nghỉ tay để vượt Khe Tre vào rừng bằng xe máy.
Mất cả tiếng đồng hồ vượt đồi núi nhấp nhô, hiểm trở với con đường mòn nhỏ, một bên là vực sâu, chúng tôi mới tới được quả đồi nham nhở. Cả héc ta rừng tự nhiên bị thiêu rụi sau khi lâm tặc đốn hạ gỗ, có cây to cả một vòng tay ôm đã bị triệt hạ để lấy gỗ, xẻ phách ngay tại rừng.
Vừa chụp ảnh, ghi hình trên đồi trọc giữa trưa nắng, chúng tôi vội rút nhanh khi nghe âm thanh gào rú của đoàn xe máy và đoàn xe kéo gỗ vọng lại. Sau khi bài viết được đăng tải, lực lượng kiểm lâm, công an, địa phương và các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý.
Vui, buồn cùng nhân vật
Không ít lần người cầm bút như chúng tôi đã rơi nước mắt trước những nhân vật mà mình gặp. Như câu chuyện về 5 chị em ở Đại Lộc ly tán trong kháng chiến chống Mỹ. Năm mảnh đời, 5 số phận là nạn nhân chiến tranh, đã lưu lạc tứ phương.
Khi viết bài “Tìm nguồn cội sau hơn 50 năm ly tán” (Báo Quảng Nam đã đăng số ra ngày 28.11.2021), đọc đi đọc lại bài vài lần trước khi ấn nút gửi tòa soạn, tôi vẫn không khỏi xúc động. Tin rằng, nhiều người sẽ có chung tâm trạng và cảm xúc như tôi khi đề cập tới nạn nhân chiến tranh.
Nhân vật của tôi, nhân chứng khi đọc bài viết trên điện thoại, nhắn tin cảm ơn vì đã thấu hiểu họ. Tôi ngộ ra, viết gì thì viết, nhưng để chạm đến từng cung bậc cảm xúc, lột tả được nỗi đau và số phận nhân vật, là thành công.
Rồi niềm vui vỡ òa khi cả 5 chị em được Tòa án nhân dân huyện Đại Lộc trao quyết định công nhận là con ruột của hai liệt sĩ, một kết thúc có hậu sau mấy chục năm đau buồn.
Trong những chuyến đi, tôi dành sự đầu tư kỹ lưỡng cho loạt bài 3 kỳ “Chia sẻ nỗi đau da cam” (Báo Quảng Nam đăng tải vào các số báo ra ngày 15-17.8.2017). Nhân vật của tôi là những những nạn nhân da cam/dioxin đang từng ngày đối diện với nỗi đau số phận, bệnh tật và sự mặc cảm với cuộc đời.
Những dòng chữ tuôn trào cảm xúc từ những con người thật, việc thật. Những nỗ lực ấy đã được ghi nhận khi loạt bài đoạt giải ba, giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng.
Với phóng viên nữ, để giữ được lửa nghề và phong độ, không phải là chuyện dễ dàng. Song, tôi vẫn vẹn nguyên niềm đam mê với nghiệp đã chọn.